Y tế Việt Nam: Dấu ấn 2023

P.V, icon
09:09 ngày 31/12/2023

VTV.vn - Một năm với nhiều khó khăn, thách thức đã khép lại. Cùng Báo điện tử VTV News nhìn lại những dấu ấn của ngành Y tế Việt Nam trong năm qua.

2023 là một năm ngành Y tế Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn chồng chất, khi "cơn bão" COVID-19 vừa càn quét, khiến nhân lực vật lực tiêu hao nhiều. Nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ nay phát sinh cũng khiến toàn ngành phải tập trung cao độ để tìm giải pháp.

Nhìn lại 365 ngày qua, có thể thấy dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Y tế, sự đồng lòng, quyết tâm của cán bộ, nhân viên ngành Y tế, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, được nhân dân ủng hộ, các tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ, công tác y tế đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.

Cùng VTV News điểm lại một số dấu ấn nổi bật của Y tế Việt Nam trong năm 2023:

Y tế Việt Nam: Dấu ấn 2023 - Ảnh 1.

Năm 2023, Bộ Y tế tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế ngành Y tế, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, xác định các vướng mắc, bất cập để kịp thời sửa đổi, bổ sung, đề xuất các cơ chế đặc thù của ngành y tế. Trong năm 2023, Bộ Y tế đã tham mưu trình Quốc hội ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và 02 Nghị quyết; Ban Bí thư ban hành 01 Chỉ thị; Chính phủ ban hành 04 Nghị định, 05 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 08 Quyết định; Bộ Y tế ban hành 23 Thông tư theo thẩm quyền.

Đáng chú ý, trong năm 2023, Bộ Y tế đã trình Ban bí thư ban hành Chỉ thị 25 về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Chỉ thị nhấn mạnh yêu cầu cần tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở. Việc đầu tư phải gắn với đổi mới cơ chế tài chính và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính...

Y tế Việt Nam: Dấu ấn 2023 - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại diễn đàn Quốc hội. Ảnh: Báo Chính phủ

Ngày 09/01/2023, Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 được Quốc hội thông qua thay thế cho Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2024 với nhiều điểm mới thể hiện sự tiến bộ trong việc tiếp cận, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh trên quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm, công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển. Ngay sau khi Luật được Quốc hội chính thức thông qua, các thông tư, nghị định hướng dẫn tiếp tục được hoàn thiện, ban hành.

Bộ Y tế cũng đã ban hành Kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2025. Tiếp tục hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ...

Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngành y tế và tổ chức, theo dõi thi hành. Tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành, địa phương ban hành liên quan đến y tế.

Y tế Việt Nam: Dấu ấn 2023 - Ảnh 3.

Tại Quyết định số 3896/QĐ-BYT do PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế ký ban hành ngày 19/10, từ 20/10, COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A mà chuyển sang thuộc nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Quyết định của Bộ Y tế nêu rõ: Điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B theo quy định tại Điểm b, Khoản 1 và Khoản 2, Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Y tế Việt Nam: Dấu ấn 2023 - Ảnh 4.

Các bác sĩ Bệnh viện Medlatec xét nghiệm COVID-19.

Theo đó, các hoạt động phòng, chống COVID-19 được thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.

Y tế Việt Nam: Dấu ấn 2023 - Ảnh 5.

Năm 2023, các dịch bệnh trên cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Đơn cử như tính đến thời điểm 17/12/2023: Sốt xuất huyết ghi nhận 166.104 trường hợp; Tay chân miệng ghi nhận 176.237 trường hợp; Sốt phát ban nghi sởi ghi nhận 380 trường hợp mắc; Bạch hầu ghi nhận 54 ca mắc... Đặc biệt, đậu mùa khỉ ghi nhận 117 ca mắc, 3 ca tử vong... Ngoài ra còn một số bệnh nguy hiểm khác đe dọa sức khỏe người dân như bệnh dại, whitmore, sốt rét, viêm não virus...

Y tế Việt Nam: Dấu ấn 2023 - Ảnh 6.

Công tác truy vết bệnh nhân đậu mùa khỉ tại Đồng Nai.

Cùng với việc kiểm soát tốt dịch COVID-19, Bộ Y tế tăng cường phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm khác và các dịch bệnh mới nổi. Hệ thống y tế dự phòng trên toàn quốc vẫn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch.

Theo đó, các dịch bệnh truyền nhiễm được kiểm soát tốt, không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch.

Y tế Việt Nam: Dấu ấn 2023 - Ảnh 7.

Sau gần 3 năm tập trung chống dịch, vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trầm trọng ở nhiều cơ sở y tế.

Để giải quyết thực trạng này, Bộ Y tế đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường xử lý, giải quyết việc đăng ký lưu hành, gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; Đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Luật Dược; ban hành các Thông tư liên quan đến công tác đăng ký thuốc, đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt với các quy định về hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc; đã tổ chức thêm các đơn vị thẩm định độc lập tại các trường đại học y, dược để đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ cấp phép; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành về đảm bảo cung ứng thuốc, đặc biệt các thuốc hiếm, khó khăn về nguồn cung.

Y tế Việt Nam: Dấu ấn 2023 - Ảnh 8.

Quầy phát thuốc cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Y tế Việt Nam: Dấu ấn 2023 - Ảnh 9.

Được “gỡ vướng”, nhiều máy móc của Bệnh viện Chợ Rẫy hoạt động trở lại hồi cuối tháng 3/2023. Ảnh: TTXVN

Bộ cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp tìm nguồn cung, đặc biệt là thuốc hiếm, đơn giản hóa thủ tục, thực hiện phân cấp toàn diện việc phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm cho các cơ sở y tế trực thuộc bộ.

Qua đó đã giúp các cơ sở khám chữa bệnh nắm được thông tin về nguồn cung thuốc, chủ động trong việc xây dựng kế hoạch đảm bảo cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Y tế Việt Nam: Dấu ấn 2023 - Ảnh 10.

Năm 2023, Bộ Y tế đã bước đầu hình thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành . Kết nối dữ liệu giấy khám sức khoẻ cấp phép lái xe để phục vụ việc cấp, đổi giấy phép lái xe. Hoàn thành triển khai thí điểm tại tỉnh Hà Nam việc thực hiện thống kê, cập nhật thông tin dữ liệu nguồn lực y tế.

Đồng thời, đã xây dựng và triển khai phần mềm quản lý hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở y tế trên phạm vi toàn quốc; Đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật của các nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (VTelehealth), nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử (VHR) và dự kiến sẽ triển khai tại các đơn vị, địa phương thời gian tới. Triển khai xây dựng chức năng kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Y tế.

Y tế Việt Nam: Dấu ấn 2023 - Ảnh 11.

Khu vực thanh toán không dùng tiền mặt tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội). Ảnh: Minh Quyết – TTXVN

Có 87,9% (29/33) bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc các trường Đại học Y đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt và khoảng 63,8% Sở Y tế có số cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ từ 50% trở lên, trong đó có 12/47 (25.5%) Sở Y tế đạt tỷ lệ 100% các cơ sở khám chữa bệnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; 100% cơ sở đào tạo nhân lực y tế thanh toán học phí không dùng tiền mặt.

Một thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trong năm qua cho biết: Toàn quốc cũng đã có 12.268 cơ sở y tế triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp (đạt 96%) với gần 11,8 triệu lượt tra cứu thành công thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Y tế Việt Nam: Dấu ấn 2023 - Ảnh 12.

Nhân viên y tế dùng máy quét QR code trên CCCD gắn chíp để tra cứu thông tin người bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Tân Yên, Bắc Giang. Ảnh: Đồng Thúy-TTXVN

Trên đây là một số dấu ấn nổi bật của ngành Y tế Việt Nam trong năm 2023, một năm nhiều khó khăn và biến động. Bước sang năm mới 2024, ngành Y tế được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, tập trung kiểm soát các dịch bệnh mới phát sinh; tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tất cả các tuyến; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế; giữ vững tinh thần "Sâu y lý, giàu y đức, giỏi y thuật" như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng biểu dương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục