Chia sẻ với phóng viên về công tác cứu hộ, cứu nạn của đơn vị trong vụ chìm thuyền vào rạng sáng 16/12 tại địa bàn xã Nam Thịnh (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) khiến 6 người tử vong, Trung tá Trần Xuân Phưởng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa Lân (Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình) cho biết: “Sau khi nhận được nguồn tin báo từ người dân, chỉ huy đơn vị đã lên phương án nhanh chóng ra hiện trường ngay trong lúc trời còn tối, gió biển thổi mạnh, sương mù từ phía biển tràn về che khuất tầm nhìn”.
“Nếu không có sự phối hợp của lực lượng Bộ đội biên phòng Cửa Lân và người dân thì công tác cứu hộ, cứu nạn của chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Sự xuất hiện nhanh chóng, cơ động và sẵn sàng của các chiến sỹ biên phòng đã giúp địa phương chúng tôi nhanh chóng đưa được những người còn sống kịp vào bờ, thoát khỏi nguy kịch”, ông Trần Đặng Đoàn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nam Thịnh cho biết.
Nhận lệnh, tổ rời khỏi Đồn biên phòng đã xé màn sương đến bến Giang Long bằng phương tiện xe máy sẵn có ở đơn vị. Xuất phát từ bến Giang Long, để tiếp cận được với hiện trường vụ tai nạn thương tâm trên, đoàn đã trưng dụng và sử dụng phương tiện của ngư dân ngay tại bến. Chính sự cơ động này đã giúp các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Cửa Lân là những người tiếp cận được hiện trường và các nạn nhân đầu tiên.
Thiếu tá Lưu Đình Thành, Đồn Biên phòng Cửa Lân, nằm trong danh sách tổ công tác nhận nhiệm vụ ứng cứu các nạn nhân kể lại: Khi thuyền của chúng tôi vượt khỏi những rặng sú vẹt, anh em đã phải đối đầu với những thử thách nghiệt ngã từ thời tiết.
Vì tâm lý muốn tiếp cận được hiện trường, cứu người dân nên vận tốc thuyền của chúng tôi khi đó rất lớn, các chiến sỹ phải hứng chịu những trận gió lạnh buốt quất vào mặt, tê tái. Nước biển từ hai bên mạn thuyền tung lên làm ướt hết quần áo, khiến cái lạnh càng thấm vào người nhanh hơn.
“Vượt ra khỏi cửa lạch một thời gian ngắn, chúng tôi đã nhanh chóng tiếp cận được với những “dấu hiệu” về địa điểm thuyền chìm. Lúc đó, tiếng khóc, tiếng la hét, tri hô của người dân khi nghe thấy có tiếng thuyền máy hướng về phía mình đã vang lên rồi như lịm dần trong gió”, Thiếu tá Thành cho biết.
Trung tá Trần Xuân Phưởng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa Lân cho hay, khi anh em chiến sỹ tiếp cận được hiện trường thì chiếc thuyền bị tai nạn ở tình trạng lập lờ trong nước; chị em may mắn thoát chết thì đang ngồi rũ rượi, khóc yếu ớt, ánh mắt bất thần như chưa biết chuyện gì đã xảy ra; có người nằm nhoài dưới bãi, lấm lem bùn đất.
Công tác cứu hộ, cứu nạn được anh em chiến sỹ triển khai ngay tức thì, việc động viên, trấn an tinh thần, ủ ấm cho nạn nhân và dìu, bế lên thuyền, đưa vào đất liền đã được các chiến sỹ trong tổ hoàn tất trong thời gian ngắn. 7 người đã được ứng cứu kịp thời.
Bằng cảm quan, phản ứng nghề, qua khai thác từ phía chính quyền địa phương và người còn sống, các chiến sỹ biên phòng Cửa Lân thấy còn thiếu mất 6 người trong tổng số 13 người trên chiếc thuyền có công suất 24CV mà người dân đã sử dụng.
Từ đây, phương án tìm kiếm, vớt nạn nhân đã được các chiến sỹ biên phòng phối hợp thực hiện với chính quyền địa phương.
“Thời tiết ngoài trời lúc anh em chúng tôi ứng cứu nạn nhân khoảng tầm trên 10 độ C, nhưng động lực cứu người đã làm chúng tôi quên đi cái giá rét thời tiết mùa đông. Khó khăn, vất vả khi thực hiện nhiệm vụ này đặc thù sông, nước, giá rét, gió to thì chắc mọi người cũng hiểu. Sau khi thực hiện xong nhiệm vụ, anh em chúng tôi ai nấy da trắng dã, run lên cầm cập”, Thiếu tá Thành tâm sự.
Đến 8h45, ngày 16/12, công tác tìm kiếm cứu nạn; trục vớt, lai dắt và đưa chiếc thuyền đã được các chiến sỹ biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng hoàn tất. Ngay sau đó, Bộ đội biên phòng Cửa Lân đã chia tổ, thực hiện công tác thăm hỏi, chia sẻ, động viên thân nhân gia đình các nạn nhân.
Trung tá Trần Xuân Phưởng, Chính trị viên Đồn biên phòng Cửa Lân cho hay, đoàn tham gia cứu hộ, cứu nạn lúc đó được lập nên gồm có 8 người, chọn ra những chiến sỹ có kinh nghiệm về đi biển, bơi lặn giỏi và rất thông thạo vùng bãi triều nuôi ngao của các xã ven biển huyện Tiền Hải. Trong số này, có cả y sỹ của đơn vị tham gia.
Bà Nguyễn Thị Ngọt (sinh năm 1954), thôn Thiện Tường, xã Nam Thịnh, người may mắn sống được trong vụ chìm thuyền kể lại lúc đó (xảy ra vụ chìm), thì chúng tôi có người thức, người ngủ, nhưng đều ở giữa thuyền. Trời lúc đó tối lắm, không nhìn thấy gì và gió cũng rất lạnh. Khi thấy nước tràn vào thuyền, chúng tôi tri hô lên để mọi người trên thuyền cùng biết, sau đó ai cũng hoảng loạn, ôm nhau khóc.
Rồi thì sóng đánh ập chúng tôi lả đi và chúng tôi chìm xuống. Khi đó, mọi người ôm tôi chặt lắm, rồi họ thả tôi dần dần, tôi ngoi lên mặt nước được. Sau đó tôi cũng đuối dần, chìm xuống… Khi tỉnh dậy thì tôi được người dân cho biết tôi sống được là nhờ có người ứng cứu kịp thời.
Bà Ngọt nói trong nước mắt: "Những người thoát khỏi vụ chìm thuyền hôm ấy, nếu không được ứng cứu kịp thời thì cũng khó mà sống được khi ai nấy đều đã mệt lả vì đói và lạnh. Nhờ được ứng cứu kịp thời mà những người sống chúng tôi mới được về đoàn tụ với chồng, với con".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.