Lớp học này khá đặc biệt bởi mỗi học sinh đều có một hoàn cảnh khác nhau, độ tuổi cũng có sự khác biệt khi có em 5 - 6 tuổi, có em đã ngoài 33. Tuy nhiên, tất cả đều có điểm chung là bị cái nghèo đeo bám và khát khao con chữ như bao bạn bè đồng trang lứa.
72 tuổi, lưng hơi còng nhưng mỗi ngày người phụ nữ này vẫn đặt ra mục tiêu bán hết 100 tờ vé số.
Ban ngày bà rong ruổi các con phố để bán vé số.
Không chồng con, cô Ba từng định vào trung tâm nuôi dưỡng người già để sống nhưng vì nhớ nghề, yêu học sinh, cô lại dành phần đời còn lại để ở trọ. Thế là 5 năm nay, vẫn xấp vé số trên tay, đường đi bán vé số mỗi chiều cũng là đường đến bục giảng của cô.
Đến tối, bà giáo già lại dạy chữ cho các em ở lớp học tình thương.
Lớp học của cô Ba thực chất chỉ là góc hành lang của trung tâm văn hóa, thể thao phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một. Trời càng tối, tiếng đọc bài lại càng rộn rã hơn. Lớp học có đủ mọi lứa tuổi, đứa bán vé số, đứa xin ăn, điểm chung duy nhất là tất cả đều bị cái nghèo đeo bám và một mong ước là được đến lớp, được học chữ như bao bạn bè đồng trang lứa.
Chị Hạnh (áo tím) là một học sinh lớn tuổi của lớp học này.
33 tuổi, sau 4 năm học với cô Ba, chị Hạnh đã thành thạo đọc viết. Bài kiểm tra môn Tiếng Việt cuối kỳ vừa rồi, chị được khen tiến bộ và được cô cho học lên cuốn sách lớp 5.
Lớp học có phần tối tăm, chật chội, nhưng ánh đèn vẫn sáng để các học sinh nghèo học tập. Mắt cũng mờ nhưng mỗi đêm,"bà giáo già" vẫn ngồi chấm điểm, soạn từng trang giáo án. Bà giáo ngày một già, những đứa trẻ ngày một lớn nhưng hình ảnh lớp học ban đêm đầy ắp yêu thương này mãi là hình ảnh khó có thể quên của cô trò và của cả người dân nơi đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!