Là hãng vận tải biển lớn thứ 7 thế giới với 140 tàu container, 100 triệu tấn hàng hoá mỗi năm tương đương 2,9% công suất vận tải container trên toàn cầu, nhưng trong khoảng thời gian 2011 - 2015, Hanjin Shipping liên tục báo lỗ. Hệ quả là công ty buộc phải thực hiện tái cơ cấu theo yêu cầu của chủ nợ từ tháng 5/2016. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều trở nên vô ích sau khi các chủ nợ bác bỏ thỏa thuận gần đây nhất về việc giải quyết khoản nợ trị giá 5,37 tỷ USD.
Ngày 31/8/2016, Hanjin nộp đơn xin phá sản và được Tòa án Hàn Quốc chấp thuận. Theo đó, công ty này vẫn thực hiện nốt các đơn hàng cũ bình thường, nhưng ngừng nhận đơn vận tải mới trong khi tòa tìm cách thanh lý tài sản để trả cho các chủ nợ.
Ngày 5/9, Hanjin cho biết sẽ nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại hơn 40 quốc gia để giúp giảm thiểu những tác động từ việc đệ đơn xin phá sản. Ngay lập tức, cổ phiếu của Hanjin đã lao dốc 30% xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009. Ít nhất 3 công ty Mỹ đã kiện Hanjin, đồng thời yêu cầu đóng băng các tài sản khác của hãng này với lý do quá hạn thanh toán.
Tại nhiều nước, hàng loạt tàu của Hanjin cũng không thể cập cảng vì sợ bị chủ nợ thu giữ hoặc các bến cảng lo ngại không thể thu được phí sử dụng dịch vụ. Ít nhất 79 tàu của Hanjin đã bị mắc kẹt tại 50 cảng biển của 26 quốc gia. Kéo theo đó là 14 tỷ USD hàng hoá vẫn đang lênh đênh giữa biển khơi.
Cách đây 8 năm, tháng 9/2008, cả thế giới đã chấn động sau khi ngân hàng Lehman Brothers nộp đơn xin bảo hộ phá sản, sự kiện châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hiện nhiều người lo ngại rằng, vụ phá sản của Hanjin Shipping rất có thể sẽ là một Lehman Brothers khác của ngành vận tải biển – mạch máu quan trọng đối với nền kinh tế thế giới.
Mặc dù Hanjin chỉ nắm 2,9% thị phần vận tải biển toàn cầu nhưng những gì đang xảy ra đã gây nhiều lo ngại về những rắc rối thương mại cũng như tương lai của ngành vận tải biển. Theo các chuyên gia kinh tế, việc phải gấp rút tìm kiếm hãng vận tải để kịp đơn hàng sẽ khiến các công ty phải chấp nhận mức chi phí cao, khiến giá cước vận tải tăng mạnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó là sự mất niềm tin giữa các nhà xuất khẩu và các hãng vận tải.
Việc Hanjin nộp đơn xin phá sản cũng tác động xấu tới hoạt động sản xuất, đặc biệt là các thương hiệu hàng đầu của Hàn Quốc vốn có truyền thống sử dụng dịch vụ từ các công ty đồng hương. Theo ước tính sơ bộ, Samsung và HP được cho là bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ điện tử của các tập đoàn này là do Hanjin phụ trách.
Tại Mỹ và châu Âu, các nhà bán lẻ sử dụng dịch vụ của Hanjin cũng đang trong tình trạng đứng ngồi không yên khi mà mùa cao điểm mua sắm cuối năm đang tới gần. Các công ty như Target, Wal-Mart, Best Buy cho hay, họ đang theo dõi sát tình hình Hanjin trước khi biết rõ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào. Một số chuyên gia trong ngành ước tính, vụ việc có thể mất vài tuần để giải quyết và cũng có thể vài tháng. Nếu như vậy, vụ phá sản của Hanjin cũng sẽ khiến nhiều hãng bán lẻ chìm theo.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!