13 năm sau sự kiện 11/9: Nước Mỹ vẫn chưa an toàn

Việt Hùng-Thứ năm, ngày 11/09/2014 07:14 GMT+7

Hoa và ảnh của những nạn nhân xấu số của vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 trên bia tưởng niệm tại Mỹ. (Ảnh: AP)

Hôm nay (11/9), kỷ niệm tròn 13 năm xảy ra vụ tấn công khủng bố 11/9 tại Mỹ.

Al-Qaeda suy yếu, thủ lĩnh khét tiếng Bin Laden của tổ chức này đã bị tiêu diệt nhưng nước Mỹ vẫn phải đối mặt với những đe dọa nghiêm trọng từ các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Những hình ảnh kinh hoàng của ngày 11/9/2001 sẽ không bao giờ phai nhạt trong ký ức của người Mỹ. Gần 3.000 người thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố làm cả thế giới bàng hoàng. Đây cũng là thời điểm khởi đầu của cuộc chiến chống khủng bố dường như không thể có hồi kết của người Mỹ.

13 năm qua, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể, trong đó có việc tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden.

Khi người Mỹ đang nghĩ rằng họ có thể tạm yên tâm với Trung Đông và bắt đầu tính đến chuyện thúc đẩy việc xoay trục sang châu Á, cũng là lúc họ nhận thấy tình hình Trung Đông đột nhiên nóng bỏng trở lại, nguy cơ khủng bố không những không giảm mà có vẻ thường trực hơn bao giờ hết.

Sự bành trướng chóng mặt của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng  cùng với triết lý hành xử cực đoan và tàn bạo, mà đỉnh điểm là hai vụ hành quyết nhà báo Mỹ, đã làm cho Chính phủ và nhân dân Mỹ nhận ra rằng, họ không thể rút khỏi Trung Đông và nước Mỹ không hề an toàn hơn sau hơn 10 năm của chiến dịch chống khủng bố.

Phe Cộng hoà cho rằng sự thiếu quyết đoán trong chính sách đối ngoại của ông Obama là một nguyên nhân dẫn đến sự bất an đó.

Thượng nghị sỹ Mitch McConnell, Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mỹ cho biết: “Đối với rất nhiều người dân Mỹ, nỗi lo đang ngày một lớn hơn khi họ chứng kiến cảnh một công dân Mỹ bị một nhóm khủng bố hành quyết dã man và một vị Tổng thống vẫn đang loay hoay chưa tìm được giải pháp ứng phó với nhóm khủng bố này, đặc biệt khi tất cả chúng ta đều thấy rõ rằng IS có dã tâm, có phương tiện và có điều kiện để có thể thực hiện nhiều tội ác hơn nữa”.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích độc lập cho rằng sở dĩ chiến lược chống khủng bố của Mỹ vẫn dở dang là vì người dân Mỹ đã quá chán ngán với những bất ổn ở Trung Đông và họ cần Chính phủ ưu tiên xử lý những vấn đề của nội bộ nước Mỹ trước. Ông Obama thắng cử cũng vì cử tri Mỹ muốn có một vị Tổng thống có thể đáp ứng nguyện vọng đó của họ.

Ông Mark Perry, chuyên gia về Trung Đông nói: “Ông Obama là một vị Tổng thống của các vấn đề đối nội. Ưu tiên của ông là các vấn đề đối nội, tạo việc làm, cải cách y tế, cải cách giáo dục và tạo việc làm. Tôi cho rằng, ông Obama đã thất vọng khi một lần nữa lại phải quay trở lại Trung Đông để xử lý những vấn đề về cơ bản là không thể giải quyết nổi”.

Những bất ổn ở Trung Đông, đặc biệt là sự trỗi dậy của lực lượng Nhà nước Hồi giáo cực đoan IS đang đe doạ có thể làm ông Obama phải bỏ dở việc thực hiện nhiều tâm nguyện khác như ObamaCare hay chính sách tái cân bằng sang khu vực châu Á-TBD, vốn là những đích ngắm mà ông Obama đang cố gắng hoàn thiện để làm di sản cho 8 năm cầm quyền của ông tại Nhà Trắng.

13 năm sau vụ tấn công khủng bố 11/9, chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục loay hoay tìm giải pháp đối phó với các phần tử cực đoan. Người dân Mỹ đang kỳ vọng rằng trong chiến lược chống IS mà ông Obama sắp công bố, bằng việc thúc đẩy trách nhiệm đa phương trong cuộc chiến chống khủng bố, nước Mỹ sẽ bớt được nhiều gánh nặng bên ngoài hơn để tập trung xử lý những vân đề nội bộ của mình.

Mời quý độc giả theo dõi video chi tiết:

 

 

 

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước