Nhiều thành phố sẽ chìm dưới nước nếu Trái đất nóng lên 3°C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp. (Ảnh: Climate Central)
Đây là kết quả của một nghiên cứu mới do Climate Central, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận, thực hiện.
Với sự hợp tác của các nhà nghiên cứu tại Đại học Princeton và Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam ở Đức, phân tích đã dẫn đến sự tương phản trực quan ấn tượng giữa thế giới của chúng ta ngày nay và tương lai chìm dưới nước nếu Trái đất nóng lên 3°C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp.
Các nhà khoa học khí hậu báo cáo vào tháng 8, Trái đất đã ấm hơn khoảng 1,2°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Nhiệt độ tăng nên duy trì ở mức dưới 1,5°C, ngưỡng quan trọng để tránh những tác động nghiêm trọng nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Tuy nhiên, ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất, khi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu bắt đầu giảm xuống ở thời điểm hiện tại và giảm xuống mức ròng bằng 0 vào năm 2050, nhiệt độ toàn cầu vẫn sẽ đạt đỉnh trên ngưỡng 1,5°C trước khi giảm xuống.
Trong các kịch bản kém lạc quan hơn, khi lượng khí thải tiếp tục tăng cao hơn vào năm 2050, Trái đất có thể đạt tới mức tăng nhiệt 3°C sớm nhất là vào những năm 2060 hoặc 2070. Và mực nước ở các đại dương sẽ tiếp tục tăng trong nhiều thập kỷ sau đó trước khi đạt đến mức đỉnh.
Mực nước ở các đại dương sẽ tiếp tục tăng trong nhiều thập kỷ theo đà tăng của nhiệt độ Trái đất. (Ảnh: Climate Central)
Các nhà nghiên cứu của Climate Central đã sử dụng dữ liệu dân số và độ cao toàn cầu để phân tích những khu vực trên thế giới sẽ dễ bị tổn thương nhất do mực nước biển dâng, vốn có xu hướng tập trung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Báo cáo cho biết, các quốc đảo nhỏ có nguy cơ "gần như mất toàn bộ" đất và 8 trong số 10 khu vực hàng đầu bị nước biển dâng là ở châu Á, với khoảng 600 triệu người bị ngập lụt theo kịch bản ấm lên 3°C.
Theo phân tích của Climate Central, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia nằm trong top 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất do mực nước biển dâng trong dài hạn. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, đây cũng là những quốc gia đã tăng thêm công suất đốt than trong những năm gần đây.
Theo báo cáo của Climate Central, nếu hành tinh tăng nhiệt 3°C, khoảng 43 triệu người ở Trung Quốc sẽ sống ở vùng đất được dự báo là dưới mực nước triều cường vào năm 2100, với 200 triệu người sống trong các khu vực có nguy cơ nước biển dâng trong thời gian dài hơn. Khoảng 385 triệu người hiện đang sống trên vùng đất sẽ bị ngập do triều cường, ngay cả khi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính được giảm bớt.
Nếu tình trạng ấm lên toàn cầu được giới hạn ở mức 1,5°C, mực nước biển dâng sẽ ảnh hưởng đến vùng đất có 510 triệu người hiện nay. Nghiên cứu cho thấy, nếu nhiệt độ Trái đất tăng tới 3°C, triều cường có thể xâm lấn vùng đất nơi có hơn 800 triệu người sinh sống.
Mức độ ấm lên toàn cầu cao hơn sẽ đòi hỏi các biện pháp phòng thủ chưa từng có trên toàn cầu hoặc nhiều thành phố ven biển lớn trên toàn thế giới sẽ biến mất. Trong đó, một số biện pháp có thể được thực hiện thông qua việc tuân thủ chặt chẽ Thỏa thuận Paris, đặc biệt là hạn chế sự nóng lên 1,5°C.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!