Tờ Mặt trời 24h của Italy đặt trên trang nhất bài "Khủng hoảng tỵ nạn đe dọa Hiệp ước Schengen". Tờ Thời báo Thụy Sĩ có bài "Làm thế nào để cứu Schengen khỏi cái chết lâm sàng". Báo Tấm gương hàng ngày của Đức đặt tít "Schengen bên bờ vực". Còn tờ Thời báo tại Ireland, nước không ký hiệp ước về đi lại tự do, có bài "Nếu không xử lý được vấn đề Schengen, các nước châu Âu sẽ phải tái lập biên giới quốc gia".
Trong khi đó, "Đàm phán căng thẳng về số phận của khối Schengen" là đầu đề một bài trên báo Thế giới của Pháp. Còn tại Hy Lạp, tờ Kathimerini nhấn mạnh: "Liên minh châu Âu gây sức ép về Schengen".
Sức ép ở đây là với Hy Lạp. Trong bài "Hy Lạp trước nguy cơ bị khai trừ khỏi khối Schengen", về cuộc họp không chính thức của Ngoại trưởng 28 nước hôm 25/1 tại Amsterdam, trên tờ Diário de Notícias của Bồ Đào Nha viết rằng: "Chính phủ Hy Lạp bị chê trách là đã bất lực trước làn sóng tỵ nạn, một số nước muốn Hy Lạp phải ra khỏi khối Schengen". Lý do bởi đa số người tỵ nạn vượt Địa Trung Hải tới bờ Hy Lạp, lợi dụng chính sách đi lại tự do, đã dễ dàng từ Hy Lạp đi sang các nước khác trong khối Schengen. Nếu Hy Lạp bị cách ly khỏi khối Schengen, người tỵ nạn sẽ không còn hy vọng qua Hy Lạp mà đi lên phía Bắc được nữa.
Một số nước kêu gọi Ủy ban châu Âu áp dụng điều 26 trong Hiệp ước Schengen, cho phép một quốc gia tái lập kiểm soát biên giới khi an ninh bị đe dọa. Báo La Vanguardia của Tây Ban Nha nhắc lại là "đang có 6 nước áp dụng phần nào điều khoản này với mức độ nhiều ít khác nhau. Đó là Đức, Áo, Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy". Bài báo bình luận: "Các nước châu Âu đã thất bại, không thể đối phó với làn sóng tị nạn lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!