Các doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức trong việc cung cấp vaccine COVID-19

Thanh Hiệp-Thứ bảy, ngày 19/09/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Các doanh nghiệp dược phẩm đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong cuộc chạy đua để cung cấp vaccine phòng ngừa COVID-19.

Trong số hơn 170 ứng viên phát triển vaccine COVID-19 trên khắp thế giới, có 8 doanh nghiệp đang ở rất gần đích đến – giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên người. Tuy nhiên theo CNN, việc chứng minh được một loại vaccine hiệu quả, an toàn và đạt được sự chấp thuận của cơ quan quản lý, không phải là thách thức duy nhất đối với các doanh nghiệp.

Bà Kate O’Brien, giám đốc Cơ quan Tiêm chủng của WHO cho biết: "Cần có tới hàng tỷ liều vaccine để có thể cung cấp cho mọi người trên thế giới. Chúng ta đang phải đầu tư vào quá trình sản xuất trước cả khi biết được liệu một loại vaccine có đạt được giấy phép để đưa vào sử dụng hay không".

Các doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức trong việc cung cấp vaccine COVID-19 - Ảnh 1.

Hoạt động đầu tư sản xuất đã được triển khai trước cả khi vaccine được chứng minh là an toàn và hiệu quả. (Nguồn: Reuters)

Hiện các chính phủ trên thế giới đã cam kết chi hàng tỷ USD cho các nhà sản xuất vaccine. Những đơn đặt hàng mua hàng trăm triệu liều vaccine đã được đưa ra, dù chưa biết loại vaccine đó có hiệu quả hay không. Hãng dược phẩm Pfizer hiện đang hợp tác với công ty BioNTech với kế hoạch sản xuất 100 triệu liều vaccine vào cuối năm nay, tiếp sau đó là hơn 1 tỷ liều khác trong năm tới.

Chia sẻ với CNN, bà Pamela Siwik - Phó chủ tịch Pfizer cho biết, quy mô như vậy là "không bình thường và chưa từng có tiền lệ". Bà khẳng định: "Đây thực sự là một nỗ lực hợp tác. Nhiều người đã nói về cuộc đua, nhưng không phải cuộc đua giữa các công ty mà là chống lại vius".

Để cố gắng đáp ứng nhu cầu khổng lồ này, Pfizer đã thiết lập hệ thống sản xuất riêng biệt tại Mỹ và châu Âu, đồng thời huy động tất cả các nguồn lực của mình. Còn BioNTech cũng đang tiến hành mua lại một cơ sở sản xuất của hãng dược Novatis tại Marburg (Đức) để có thể tăng sản lượng lên hàng trăm triệu liều trong năm tới. Ông Sierk Poetting – Giám đốc tài chính BioNTech cho biết: "Cơ sở mà chúng tôi định mua hiện nay có thể sản xuất tới 750 triệu liều vaccine mỗi năm. Đây sẽ là một mảnh ghép lớn trong mạng lưới sản xuất tổng thể của chúng tôi".

Tuy nhiên, chỉ sản xuất ra vaccine thôi chưa đủ. Các doanh nghiệp còn phải đối mặt với bài toán, làm thế nào để cung cấp chúng tới người dùng trên toàn thế giới?

Các công ty vận chuyển hàng đầu như UPS đã lên kế hoạch sẵn sàng tiếp nhận, lưu trữ và phân phối vaccine. Ông Wes Wheeler - Chủ tịch UPS Healthcare cho biết: "Cách đây vài tháng, chúng tôi bắt đầu nhận được thông tin về nhiệt độ cần để bảo quản vaccine. Chúng tôi đã đầu tư vào công nghệ làm lạnh, ở cả Mỹ và Roermond, Hà Lan. Đây là một trong những trung tâm của chúng tôi ở gần trung tâm vận chuyển hàng không Cologne, Đức. Do đó, chúng tôi đã đầu tư tại đây và đặt nhiều thiết bị làm lạnh tại các kho hàng trên khắp thế giới".

Các doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức trong việc cung cấp vaccine COVID-19 - Ảnh 2.

Việc bảo quản và phân phối vaccine sẽ là thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp. (Nguồn: Reuters)

Ban lãnh đạo UPS cũng khẳng định, hãng hiểu rằng việc giữ an toàn cho vaccine là rất quan trọng và đã có kế hoạch giám sát 24/7 đối với từng liều vaccine. "Chúng tôi hiểu một thực tế là các khách hàng đang mong đợi chúng tôi sẽ vận chuyển và không gây thất thoát bất kỳ liều vaccine nào", ông Wes Wheeler chia sẻ.

Tuy nhiên, Diễn đàn kinh tế thế giới WEF mới đây đã đưa ra cảnh báo, khi một loại vaccine được phê duyệt đưa vào sử dụng, nhiều khả năng cung sẽ không đủ cầu do năng lực sản xuất hiện tại của các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Do đó, các công ty dược phẩm và logistics sẽ cần phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng nhu cầu vaccine khổng lồ của thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước