Sông băng lâu đời nhất của Thụy Sĩ Rhone được bảo vệ bởi những tấm chăn trắng đặc biệt để ngăn băng tan chảy. (Ảnh: AP)
Theo các nhà nghiên cứu từ ETH Zurich và Viện Nghiên cứu cảnh quan, tuyết và rừng liên bang Thụy Sĩ, khối lượng băng trên các sông băng đã giảm một nửa trong 85 năm từ năm 1931 - 2016. Kể từ năm 2016, các sông băng đã mất thêm 12% lượng băng.
Daniel Farinotti, đồng tác giả của nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học The Cryosphere, cho biết: "Tốc độ băng tan trên các sông băng đang tăng lên. Việc quan sát chặt chẽ hiện tượng này và định lượng các kích thước băng trong lịch sử của sông băng là rất quan trọng vì nó cho phép chúng tôi suy ra phản ứng của các sông băng liên quan tới biến đổi khí hậu".
Theo diện tích, số lượng sông băng của Thụy Sĩ chiếm khoảng một nửa tổng số sông băng trên dãy Alps.
Sông băng Fieschergletscher vào năm 1928...
Trong lần nghiên cứu ở Thụy Sĩ vào thế kỷ 20, một phần dựa trên phân tích những thay đổi về địa hình của các sông băng kể từ năm 1931, các nhóm đã kết hợp những quan sát dài hạn về sông băng, các phép đo trên thực địa và nhiều bức ảnh chụp từ trên không và trên đỉnh núi. Những bức ảnh đó bao gồm 22.000 ảnh được chụp từ các đỉnh núi giữa hai cuộc chiến tranh thế giới.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã phân tích gần 22.000 bức ảnh được chụp trong giai đoạn từ năm 1916 - 1947, trong đó chụp được khoảng 86% các khu vực sông băng của Thụy Sĩ.
Dựa trên việc phục dựng địa hình bề mặt sông băng và so sánh với dữ liệu từ những năm 2000, các nhà nghiên cứu kết luận rằng thể tích sông băng đã giảm 50% trong khoảng thời gian từ năm 1931 đến năm 2016.
... và vào năm 2021. (Ảnh: swisstopo và VAW / ETH Zurich)
Để phục dựng lại địa hình, các nhà nghiên cứu sông băng đã sử dụng phép quang trắc lập thể, một kỹ thuật được dùng để xác định bản chất, hình dạng và vị trí của bất kỳ vật thể nào dựa trên các cặp ảnh.
Các nhóm nghiên cứu đã so sánh địa hình bề mặt của các sông băng tại các thời điểm khác nhau, cho phép tính toán về sự tiến hóa của khối lượng băng. Họ nhận thấy không phải tất cả các sông băng đều mất băng với tốc độ như nhau.
Độ cao, lượng mảnh vỡ trên sông băng và độ phẳng của "mỏm" sông băng, phần thấp nhất, dễ bị tan chảy nhất, đều được phát hiện có ảnh hưởng đến tốc độ băng tan.
Họ cũng phát hiện ra rằng hai giai đoạn, những năm 1920 và 1980, đã trải qua sự tăng trưởng lẻ tẻ về khối lượng băng, mặc dù điều đó đã bị lu mờ bởi xu hướng băng tan rộng lớn hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!