Châu Âu - dịch cũ chưa qua, các ổ dịch mới thi nhau xuất hiện

VTV Digital-Thứ năm, ngày 30/07/2020 14:48 GMT+7

VTV.vn - Sau khi đợt dịch đầu tiên được kiểm soát, một bộ phận người dân châu Âu đã không còn duy trì tốt tâm lý cảnh giác phòng dịch.

Sự chủ quan dẫn đến làn sóng dịch mới

Trong những ngày này, nguy cơ về một đợt dịch COVID-19 tái bùng phát tại châu Âu cũng đang là mối lo ngại hàng đầu. Hàng loạt quốc gia đã cân nhắc việc tái áp đặt các biện pháp kiểm soát trong bối cảnh hàng triệu người đang di chuyển khắp ‘lục địa già’ trong kỳ nghỉ hè.

Chỉ trong vòng 2 tuần, xứ Catalan đã ghi nhận hơn 10 nghìn trường hợp mắc mới COVID-19. Biểu đồ dịch bệnh đi lên gần như thẳng đứng.

Ông Salvador Illa - Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha cho biết: "Rất nhiều ổ dịch xuất hiện sau khi các gia đình, các nhóm bạn gặp gỡ, hội hè với nhau. Chúng tôi thống nhất sẽ cấm hoạt động này trên toàn Catalan".

Trong 1 tuần trở lại đây, nước Pháp ghi nhận trung bình 1.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày, con số cao gấp 10 lần giai đoạn cuối tháng 6. Tâm lý chủ quan sau khi kiểm soát được đợt dịch đầu tiên có thể là nguyên nhân khiến số ca mới tăng nhanh. Bộ trưởng Y tế nước này kêu gọi giữ cảnh giác cao hơn sau khi ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh ở giới trẻ.

Châu Âu - dịch cũ chưa qua, các ổ dịch mới thi nhau xuất hiện - Ảnh 1.

Dịch COVID-19 đã cướp đi hơn 28.670 sinh mạng ở Tây Ban Nha. (Nguồn: Getty)

Ông Olivier Veran - Bộ trưởng Y tế Pháp cho biết: "Mới 10 ngày trước, không ai nghĩ rằng dịch bệnh có thể bùng phát lần thứ hai, nhưng giờ đây hãy nhìn sang Tây Ban Nha là thấy tình hình trở nên khó khăn rồi".

"Tôi thấy rằng nhiều người không còn tuân thủ các biện pháp phòng dịch nữa. Rất nhiều người đi ra đường mà không đeo khẩu trang, một việc rất quan trọng để tránh dịch tái bùng phát" - một người dân Pháp nói.

Không chỉ riêng Tây Ban Nha và Pháp, thống kê cho thấy số ca mắc mới tại Italy, Đức và Anh đều có xu hướng đi lên trong những tuần gần đây. Nguy cơ các ổ dịch COVID-19 mới quay trở lại với tốc độ lây lan mạnh hơn và nguy hiểm hơn ngày càng trở nên hiện hữu.

Có hay không lỗ hổng nhập cảnh?

Tâm lý chủ quan đã khiến các quốc gia tự đẩy mình vào một cuộc chiến mới với dịch COVID-19. Tuy nhiên, ngay cả khi các nước áp dụng các quy tắc phòng dịch, vẫn có những "con voi chui lọt lỗ kim", tạo thành ổ dịch mới, âm thầm lây lan trong cộng đồng.

Châu Âu - dịch cũ chưa qua, các ổ dịch mới thi nhau xuất hiện - Ảnh 2.

Chia sẻ cảm xúc, giúp đỡ mọi người vượt qua những thời điểm gian khó là cách tốt nhất để lan truyền điều tích cực trong mùa dịch. Ảnh: Reuters

Về chính ngạch, chính sách chung của các quốc gia là kiểm soát chặt việc cấp thị thực và hạn chế chuyến bay từ nước ngoài. Ví dụ, Pháp sẽ yêu cầu du khách xuất trình giấy xét nghiệm kết quả âm tính virus SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh. Hay giữa các nước trong liên minh cũng áp dụng quy định cách ly bắt buộc 14 ngày nếu người đến hoặc đi qua điểm nóng dịch bệnh.

Đi lại nội khối không dễ nên nếu dịch tái bùng phát trong cộng đồng, có thể là do du khách theo đường chính ngạch mang vào. Họ có thể đã mắc bệnh mà không có triệu chứng, virus ủ bệnh và chờ dịp phát tán. Chính giữa bãi biển đông đúc nhất Barcelona là một trong những bệnh viện to nhất thành phố, nơi hàng chục bệnh nhân COVID-19 đã và đang điều trị.

Bà Juana Flores - Trưởng khoa Vật lý trị liệu, bệnh viện Mar, Barcelona lo ngại: "Tình trạng đông đúc như vậy ngày nào cũng diễn ra, cách bệnh viện có vài mét thôi. Đáng lý những hoạt động không cần thiết thế này cần phải dừng lại, hoặc ở bãi tắm khác cách xa viện".

Châu Âu - dịch cũ chưa qua, các ổ dịch mới thi nhau xuất hiện - Ảnh 3.

Nhân viên của hãng bay Southwest Airlines đeo khẩu trang (trái) hỗ trợ hành khách tại sân bay quốc tế Los Angeles (LAX) trong một ngày cuối tuần vắng vẻ vì dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp, họ đi qua đường tiểu ngạch, nói đúng hơn, nạn buôn người vẫn hoành hành trong đợt dịch COVID-19. Đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến mầm bệnh len lỏi vào cộng đồng và rất khó truy dấu. Tâm lý chung của người nhập cư bất hợp pháp là sang quốc gia khác thì có thể chạy trốn được đói nghèo và dịch bệnh.

Chị Danielle Borrelli - Điều phối viên Học viện an ninh mạng California, Mỹ nói: "Tội phạm nhắm vào những người đang thất nghiệp, chúng hứa sẽ cho nạn nhân cơ hội việc làm tốt hơn. Nạn nhân thường đến từ những vùng bị ảnh hưởng bởi dịch, chẳng ai biết họ có nhiễm virus hay không. Nhập cảnh bất hợp pháp khiến họ không được xét nghiệm COVID-19 và nguy cơ lây nhiễm virus trong quá trình di chuyển rất cao".

Hầu như chưa có chế tài nào đối với những người nhập cảnh chui. Trong trường hợp bị bắt, họ sẽ được đưa đến những trại tị nạn dành cho người nhập cư để chờ ngày trục xuất về nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước