Châu Âu hỗ trợ Italy đối phó làn sóng tị nạn

-Thứ bảy, ngày 30/08/2014 14:43 GMT+7

Ngày 29/8, Liên minh châu Âu cuối cùng cũng đã chấp thuận triển khai một kế hoạch cứu vớt người tị nạn châu Phi vượt biển trốn sang châu Âu.

Cho đến nay, Italy vẫn phải đơn độc đối phó với làn sóng người tị nạn, chủ yếu đến từ Libya và các vùng chiến sự phía Bắc châu Phi. Chính phủ Italy đã nhiều lần gây sức ép buộc các nước châu Âu phải chung sức giải quyết vấn đề này.

Italy là cửa ngõ phía Nam của châu Âu. Chính vì thế, tàu tuần dương của Hải quân Italy tuần nào cũng gặp những con thuyền thô sơ chật ních người di tản. Hàng ngàn người bỏ mạng trên biển không làm cho làn sóng tị nạn vào Italy giảm bớt. Từ đầu năm tới nay, hơn 100.000 người đã tới được bờ Nam Italy nhưng cũng có khoảng 2.000 người đã chết đuối.

Ông Nino Bertoloni Meli - Phóng viên báo Il Messaggero cho biết: “Italy là điểm cực Nam châu Âu, tức là gần Bắc Phi nhất trong số các nước châu Âu. Trong 5, 6 năm trở lại đây, nhiều quốc gia Bắc Phi liên tục có biến động chính trị, không còn Ghadaffi ở Libya, không còn Mubarak ở Ai Cập, không còn Ben Ali ở Tunisie… do vậy nên mới có nhiều người tị nạn đến thế”.

Người tị nạn là một gánh nặng cho Italy. Đất nước này đã phải chi 700 triệu Euro để thiết lập các trại tị nạn trên bờ biển phía Nam. Italy nhiều lần lên tiếng rằng đây là vấn đề chung của cả châu Âu nên thật bất công khi để mặc Italy phải một mình đối phó.

Bà Rossella Tonini nói: “Italy là nơi người tị nạn hướng tới, nhưng phần lớn trong số những người tị nạn cho biết, mục tiêu của họ là đoàn tụ với người thân đã định cư ở các nước châu Âu khác, chứ họ cũng không muốn ở lại Italy”.

Đầu tháng 8/2014, Bộ trưởng Nội vụ Italy tuyên bố nếu Liên minh châu Âu không làm gì, Italy cũng chỉ đủ tiền để cầm cự đến hết tháng 10/2014. Và lời kêu gọi cuối cùng cũng mang lại kết quả. Liên minh châu Âu đã quyết định cứu trợ người tị nạn trên Địa Trung Hải, đồng thời củng cố biên giới biển phía Nam bằng một kế hoạch có tên là “Frontex Plus”, thay thế cho chiến dịch nhân đạo “Mare Nostrum” của riêng Italy.

Ông Osualdo Ciuto cho rằng: “Tất cả châu Âu phải hợp sức làm giảm làn sóng di cư bất hợp pháp, không chỉ là cứu trợ người tị nạn, mà phải có chính sách giúp các nước có người ra đi ổn định chính trị và phát triển kinh tế, có như vậy mới làm giảm tận gốc rễ tình trạng này”.

Từ tháng 10/2013, Chính phủ Italy mỗi tháng phải chi 9,3 triệu Euro cho chiến dịch “Mare Nostrum” cứu trợ người tị nạn. Hải quân Italia đã cứu được 113.000 người kể từ đầu chiến dịch này.

Liên minh châu Âu cuối cùng cũng đã đồng ý triển khai một kế hoạch hỗ trợ Italy, nhưng chỉ cứu giúp người tị nạn đang trong lãnh hải của Italy, tức là của châu Âu, chứ không can thiệp trên lãnh hải quốc tế.

 

Thu Thủy

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước