Với Mỹ, thỏa thuận này là không đủ để ngăn chặn hoàn toàn một Iran có vũ khí hạt nhân trong tương lai. Đây là một bước đi mà nhiều ý kiến cho rằng có thể là sự khởi đầu cho dấu chấm hết của thỏa thuận nhằm kiềm chế khả năng phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iran một cách hòa bình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định: "Chúng tôi không thể và sẽ không tiếp tục xác nhận thỏa thuận này. Chúng ta nhận lại một chế độ thanh sát yếu kém để đánh đổi lấy một sự trì hoãn ngắn hạn và tạm thời con đường đến với vũ khí hạt nhân của Iran".
Theo quy định nội luật của Mỹ, một khi chính quyền không xác nhận thỏa thuận hạt nhân với Iran, Quốc hội sẽ có 60 ngày để thảo luận có nên kích hoạt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran liên quan chương trình hạt nhân của nước này hay không. Nếu Quốc hội Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đồng nghĩa với việc Mỹ xé bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran. Còn nếu không, chính Tổng thống Mỹ sẽ đơn phương làm điều đó.
Ông Donald Trump cho biết, trong trường hợp không để đạt được một giải pháp với Quốc hội và đồng minh, thỏa thuận này sẽ chấm dứt.
JCPOA do 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an cùng Đức và Liên minh châu Âu ký với Iran hồi năm 2015. Theo thỏa thuận này, Tehran hạn chế các hoạt động làm giàu Urani trong 10 năm để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế.
Không công nhận thỏa thuận hạt nhân Iran phù hợp với lợi ích quốc gia, chính quyền Mỹ chính thức đá quả bóng sang sân Quốc hội, treo lửng số phận của thỏa thuận từng được coi là lịch sử giữa các cường quốc với Iran. JCPOA liệu có còn được tôn trọng nữa hay không, tới đây không chỉ phụ thuộc vào một quốc hội vốn đang rất chia rẽ mà còn có thể gặp nhiều khó khăn hơn nữa nếu muốn lại có được những chữ ký đồng thuận của tất cả các bên, trong đó có Iran.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!