COVID-19 khiến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 có những thay đổi chưa từng có tiền lệ
COVID-19 cho thấy sự khác biệt quan điểm cử tri hai Đảng
Cuộc thăm dò mới nhất do Trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện và công bố cho thấy chỉ 24% cử tri ủng hộ Tổng thống Donald Trump coi virus SARS-COV-2 là một vấn đề "rất quan trọng" để quyết định bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm nay; trong khi con số này ở cử tri ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden lên tới 80%.
Hai ứng cử viên tranh nhau từng lá phiếu tại các bang cuối cùng. Ảnh BBC
Cuộc thăm dò được thực hiện từ ngày 6-12/10 cho thấy đa số cử tri ủng hộ Tổng thống Trump quan tâm tới vấn đề kinh tế khi 84% cho rằng điều đó là "rất quan trọng". Trong khi đó, chỉ 66% cử tri ủng hộ ông Biden có cùng chung quan điểm trên. Ngoài ra, cuộc thăm dò cũng hỏi ý kiến cử tri đã đăng ký đối với vấn đề như nạo phá thai, chăm sóc sức khỏe, chính sách đối ngoại, bổ nhiệm thẩm phán Tòa án Tối cao…..
Hồi đầu tháng này, một cuộc thăm dò khác của Pew đã cung cấp một số thông tin có thể lý giải lý do tại sao nhiều người ủng hộ Tổng thống Trump không coi dịch COVID-19 là một vấn đề quan trọng trong cuộc bầu cử sắp tới. Theo đó, 68% thành viên đảng Cộng hòa cho rằng Mỹ đã kiểm soát sự bùng phát Covid-19 "nhiều nhất có thể", trong khi đó tỉ lệ tương ứng của đảng Dân chủ chỉ là 11%.
Cuộc thăm dò cũng cho thấy 66% thành viên đảng Cộng hòa nghĩ rằng sự bùng phát COVID-19 bị "thổi phồng lên" về độ nghiêm trọng, trong khi chỉ có 15% thành viên viên Dân chủ có quan điểm như vậy.
Điều này cho thấy một bộ phận cử tri Mỹ cũng như người theo đảng Cộng hòa cho rằng chính quyền Tổng thống Trump đã làm hết khả năng để kiểm soát sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Họ cũng đánh giá đại dịch chưa bao giờ nghiêm trọng như lời cảnh báo của truyền thông, giới chuyên gia cũng như chính trị gia đảng Dân chủ.
Kết quả cuộc thăm dò được đưa ra trong bối cảnh có nhiều cảnh báo về khả năng Mỹ đang phải đối mặt với làn sóng dịch thứ 3 khi bước vào mùa Thu và mùa Đông khi số ca mắc mới tăng vọt những tuần gần đây.
COVID-19 là cái cớ cho những hứa hẹn tranh cử
Truyền thông Mỹ liên tục cập nhật tình hình bỏ phiếu ở các bang. Ảnh: CNN
Sau ngày bầu cử tổng thống 3/11 tới, các nghị sĩ của đảng Cộng hòa sẽ thông qua một gói cứu trợ mới cho nền kinh tế Mỹ. Thông báo này của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như là một lời thừa nhận rằng ông đã không thể thúc đẩy quốc hội lưỡng viện đạt được một thỏa thuận cứu trợ trong tuần cuối cùng trước ngày bầu cử này.
Trong cuộc họp báo ngày 27/10 tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Chủ tịch Hạ viện - Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Nancy Pelosi - là người gây ra thế bế tắc hiện nay trong các cuộc đàm phán về các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông khẳng định: "Sau cuộc bầu cử, chúng tôi sẽ đạt được một gói kích thích kinh tế hiệu quả nhất mà bạn từng thấy vì tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện."
Mặc dù trong thời gian gần đây, các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng qua giữa bà Pelosi và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin về gói cứu trợ mới đã ghi nhận một số tiến triển, nhưng dường như không còn thời gian để một thỏa thuận được thông qua trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 3/11 tới.
Trong khi đó, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện - Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitch McConnell - đã quyết định ngừng các cuộc họp tại Thượng viện sau khi cơ quan lập pháp này vừa gấp rút phê chuẩn bà Amy Coney Barrett vào vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao vào ngày 26/10 vừa qua.
Hiện các nghị sĩ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đang xem xét một gói các biện pháp kích thích kinh tế có tổng trị giá khoảng 2.000 tỷ USD. Trên thực tế, hai đảng đồng thuận thúc đẩy phúc lợi cho hơn 25 triệu người Mỹ dưới hình thức viện trợ thất nghiệp, hỗ trợ trực tiếp các hộ gia đình và các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn mâu thuẫn về viện trợ cho các bang và địa phương, chưa tìm được cách triển khai chung cho kế hoạch xét nghiệm virus SARS-CoV-2 toàn quốc hay mở cửa trở lại các trường học. Ngoài ra, bản thân trong nội bộ đảng Cộng hòa tại Thượng viện cũng đang tồn tại bất đồng liên quan tới gói cứu trợ này. Nhiều nghị sĩ bảo thủ cho rằng cứu trợ lớn sẽ gây bất lợi cho chính quyền trong cuộc bầu cử tới khi làm tăng thâm hụt ngân sách.
COVID-19 thay đổi cách dân Mỹ bầu cử và phương thức tranh cử
Nhân viên tại điểm bỏ phiếu luôn phải đảm bảo quy tắc phòng dịch. Ảnh CNN
Tờ Time phân tích rằng COVID-19 đã thay đổi mọi thứ của cuộc bầu cử, từ cách tiến hành chiến dịch đến cách người dân Mỹ bỏ phiếu. COVID-19 cũng đã hủy bỏ các quy ước, loại bỏ việc gây quỹ và chuyển các cuộc vận động lên nền tảng số hóa, buộc nhiều bang phải nhanh chóng thay đổi cách mọi người nhận và gửi lá phiếu của cử tri với kết quả không thể đoán trước và có khả năng gây nên một cuộc tranh cãi về tính minh bạch của bỏ phiếu qua bưu điện.
Virus cũng đã thay đổi cách người dân Mỹ lựa chọn Tổng thống – người sẽ gánh vác trách nhiệm tiêu diệt đại dịch, đối phó với hậu quả của nó và khôi phục lại nền kinh tế từ đống tro tàn.
COVID-19 và những kỷ lục bầu cử
Kỷ lục về bỏ phiếu sớm và số lượng cử tri tham gia bầu cử
Cử tri lớn tuổi và người có bệnh lý nền đi bỏ phiếu sớm để tránh đám đông. Ảnh CTVnews
Tính đến ngày 27/10, khoảng 70 triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm, tương đương với khoảng 50% tổng số cử tri bỏ phiếu năm 2016. Bản thân đương kim Tổng thống cũng đi bỏ phiếu trước và cho biết đã bầu "cho một gã tên là Trump" vào ngày 24/10 tại một phòng phiếu ở West Palm Beach, bang Florida.
Đại dịch COVID-19 là lý do chính thúc đẩy cử tri Mỹ, đặc biệt là người cao tuổi, đi bỏ phiếu sớm vì muốn tránh đám đông trong ngày bầu cử chính thức 3/11. Số cử tri đảng Dân chủ đi bỏ phiếu trước cao gấp đôi so với cử tri đảng Cộng hoà ở nhiều bang then chốt. Tờ New York Times ngày 12/10 ghi nhận cử tri tại bang Georgia "rất nhiệt tình khi có mặt đông đảo trước các phòng phiếu", hay "trước cả bình minh, cử tri xếp hàng dài, tôn trọng biện pháp giãn cách xã hội, và nhiều người phải chờ tận 8 tiếng để được bỏ phiếu".
Số cử tri Mỹ ở nước ngoài gửi phiếu bầu sớm qua đường bưu điện cũng có xu hướng tăng do lo ngại dịch COVID-19 tác động đến vận chuyển thư tín. Theo một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ, đến trung tuần tháng 10/2020, gần 700.000 phiếu bầu được tải xuống từ trang web của chương trình liên bang hỗ trợ bỏ phiếu ở nước ngoài.
Dựa vào số liệu do cơ quan phụ trách bầu cử ở các bang cung cấp, nhiều nhà phân tích thiên về khả năng tỉ lệ cử tri tham gia bầu cử tổng thống Mỹ 2020 sẽ đạt mức kỷ lục.
Kỷ lục về sự chia rẽ của cử tri Mỹ
Đến mỗi kỳ bầu cử, bản đồ Mỹ được chia rõ rệt thành hai màu "đỏ" (đảng Cộng hoà) và "xanh dương" (đảng Dân chủ). Theo kết quả thăm dò ngày 16/10 do hãng tin AP và Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề công NORC thực hiện, 85% cử tri ghi danh cho rằng người Mỹ bị chia rẽ sâu sắc vì những giá trị của họ; chỉ có 15% cho rằng nền Dân chủ Mỹ vẫn rất ổn hoặc cực ổn. Vẫn theo cuộc thăm dò trên, 65% khẳng định sự chia rẽ này có lẽ sẽ thêm trầm trọng trong trường hợp ông Trump tái đắc cử.
Chương trình Cap Amériques của Đài France 24 nhận định cử tri của mỗi đảng ngày càng có khuynh hướng cực đoan hoá trong ý tưởng của họ. Có khoảng 10 chủ đề khiến hai bên không thể "nhìn mặt nhau", chẳng hạn như nhập cư, bảo hiểm, đặc biệt là về quyền nạo phá thai. Ngoài ra, một số chủ đề mâu thuẫn khác được nêu trong thăm dò của hãng tin AP gồm an toàn cho bản thân trong giai đoạn đại dịch (60% cử tri Dân chủ lo gia đình có người bị nhiễm COVID-19, phía đảng Cộng hoà là 20% và hơn một nửa cử tri Cộng hoà không lo về COVID-19), giá trị của sự đa dạng và sức khỏe của nền Dân chủ Mỹ.
Kỷ lục người dân Mỹ đổ xô đi mua súng
Người dân Mỹ lập kho vũ khí, đạn dược do lo ngại về sự thay đổi sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ. Số đơn yêu cầu kiểm tra lý lịch người mua vũ khí bắt buộc đối với các cửa hàng bán vũ khí đã đạt con số kỷ lục 3,9 triệu vào tháng 6/2020, trong khi mức trung bình trong năm 2019 là 2,3 triệu đơn. Các nhà sản xuất thậm chí không thể cung ứng đủ nhu cầu ngày càng lớn kể từ tháng 2/2020, kéo theo tình trạng khan hiếm và giá bán tăng vọt.
Có 3 lý do giải thích cho nhu cầu vũ trang này: Lo ngại về nguy cơ bùng phát tình trạng tội phạm vì dịch COVID-19, tình trạng bạo động trong các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc và nguy cơ thay đổi về luật sở hữu vũ khí nếu tân chủ nhân Nhà Trắng thuộc đảng Dân chủ.
Đại dịch dưới góc nhìn của "một con virus"
Những lá phiếu bầu qua đường bưu điện cũng được cử tri gửi đi từ sớm. Ảnh: Techcrunch
Sự phát triển của virus SARS-C-2 cho đến nay, theo thuật ngữ của Darwin, là một câu chuyện thành công lớn.
Không một ai có thể phủ nhận rằng COVID-19 là bi kịch lớn cho nhân loại - một bi kịch ngay cả theo nghĩa Hy Lạp cổ đại, như Aristotle đã định nghĩa là cái kết thảm khốc do sự chủ quan, kiêu ngạo của nhân vật chính. Lần này không phải là Oedipus hay Agamemnon đảm nhận vai chính đó. Lần này, chính chúng ta – loài người là nhân vật chính tự mãn đã một lần nữa để dịch bệnh bùng phát. Phạm vi và sự tàn phá của đại dịch phản ánh sự thiếu đoàn kết trong công tác phòng dịch. Hoặc là con người đã đoàn kết chưa đủ, nỗ lực chưa đủ để khống chế dịch bệnh.
Virus SARS-CoV-2 nguy hiểm hiện nay từng là một sinh vật kín đáo, ẩn nấp lặng lẽ trong vật chủ tự nhiên của nó; chính là một số quần thể động vật, có thể là dơi, trong các hang động và khu rừng ở miền nam Trung Quốc. Ấy vậy mà nó lại bằng cách nào đấy, lây sang con người và trở thành đại dịch trong gần một năm trời nay.
Nhìn lại vấn đề lây lan dịch bệnh từ phía con người. Là do virus này quá "khỏe", hay sức đề kháng của con người quá "yếu" và chúng ta không hề phòng bị gì. Nếu như quốc gia nào cũng triển khai quyết liệt và hiệu quả việc tiêm chủng cúm mùa, thì có lẽ sức đề kháng của con người đã tốt hơn; có lẽ sẽ không có những nội dung tranh cử Tổng thống Mỹ xoay quanh những câu hỏi như "Thời điểm nào thích hợp để ưu tiên khôi phục nền kinh tế hay phòng dịch".
Mỹ hiện có 9.120.751 người dương tính virus SARS-CoV-2, tương đương 20% tổng số ca mắc bệnh toàn cầu, và cũng là quốc gia "đứng đầu" thế giới về cả số ca dương tính và số ca không qua khỏi. Một vị trí chẳng quốc gia nào mong muốn soán ngôi.
Kết quả ở mức cảnh báo là thế, nhưng bất chấp những nỗ lực của chính phủ Mỹ kêu gọi người dân tuân thủ giãn cách xã hội thì vẫn còn nhiều người không nhận thấy tầm quan trọng của chiếc khẩu trang hoặc của việc tiêm vaccine ngừa cúm. Ngay cả như việc Tổng thống Mỹ hồi đầu tháng này có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và được điều trị đặc biệt nên sức khỏe đã phục hồi một cách "thần tốc", cũng có thể khiến người dân Mỹ chủ quan, coi việc nhiễm virus cũng không quá nguy hiểm như truyền thông cảnh báo.
Và chính vì chủ quan cho nên trong 24 giờ qua, Mỹ đã ghi nhận 81.581 ca mắc mới, buộc giới chức nhiều thành phố, trong đó có New York phải ban bố thêm nhiều biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn. Bằng đấy ca mắc mới, cũng có thể là sẽ có nhiều nghìn cử tri chưa kịp đi bỏ phiếu bầu cử. Và cũng rất có thể, việc thiếu những lá phiếu của các bệnh nhân đang nh phải nhập viện điều trị COVID-19, hoặc những người đã qua đời sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tổng số phiếu bầu năm nay.
COVID-19 tiếp tục đặt ra một bài toán được cho là góp phần định hình chiến lược tranh cử vào Nhà Trắng của hai ứng cử viên. Đó là ưu tiên sức khỏe cho người dân, hay ưu tiên khôi phục nền kinh tế.
Hãng tin Reuters đã trích phát biểu của ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden kêu gọi người dân "Đây không phải là vấn đề chính trị. Thời điểm này đeo khẩu trang là yêu nước". Có lẽ trong vấn đề này, quan điểm của ông Joe Biden khá xuyên suốt ngay từ đầu chiến dịch tranh cử.
Tổng thống đương nhiệm Donald Trump chắc chắn không muốn nhiệm kỳ của mình kết thúc dưới cái bóng của COVID-19 và một nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch. Chưa biết ai sẽ là người bước vào cánh cửa Nhà Trắng trong nhiệm kỳ sắp tới, nhưng tại thời điểm này, những cử tri Mỹ còn đang lưỡng lự chưa bỏ phiếu có quyền thay đổi quyết định, cho dù họ hiện đang thuộc đảng nào đi nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!