Cử tri Mỹ với những lo ngại về “sức khỏe” nền kinh tế

Công Tùng (PV Đài THVN thường trú tại Mỹ)-Thứ bảy, ngày 02/11/2024 16:47 GMT+7

VTV.vn - Chỉ còn vài ngày đếm ngược sẽ tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Một trong những câu hỏi nóng nhất hiện nay là: Người dân Mỹ đang nghĩ gì về “sức khỏe” nền kinh tế?

Trước thềm bầu cử, người tiêu dùng Mỹ vẫn tỏ ra không lạc quan về triển vọng việc làm và "sức khỏe" tài chính của họ. Liệu niềm tin vào "sức khỏe" kinh tế sẽ được cải thiện hay không vẫn là một dấu hỏi lớn khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần.

Reuters chỉ ra rằng tại các bang dao động, 61% cử tri cho rằng nền kinh tế đang đi sai hướng và 68% lo lắng về chi phí sinh hoạt. Bài viết chia sẻ quan điểm cá nhân, ngay cả khi thu nhập có cải thiện, áp lực từ giá nhà đến thực phẩm vẫn không ngừng gia tăng, làm giảm chất lượng cuộc sống. Cụm từ "sốc giá" hiện đang là nỗi ám ảnh của nhiều hộ gia đình Mỹ.

Theo CBS News, lạm phát, việc làm, nhập cư, thuế và nợ công là những yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến quyết định của cử tri. Dù lạm phát đã hạ nhiệt từ mức đỉnh 9,1% xuống còn 2,4% vào tháng 9, giá cả vẫn chưa giảm đủ nhanh để người tiêu dùng bớt lo lắng. Thậm chí, hơn 25% người Mỹ tin rằng lạm phát hiện tại vượt quá 10%, một phần do do giá thực phẩm và chi phí sinh hoạt cao ngất ngưởng.

Cử tri Mỹ với những lo ngại về “sức khỏe” nền kinh tế - Ảnh 1.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở California, Mỹ ngày 10/4/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Kinh tế là ưu tiên hàng đầu với cử tri Mỹ. Trong nhiều cuộc thăm dò dư luận, ông Donald Trump vẫn là ứng viên đáng tin cậy hơn về khả năng xử lý nền kinh tế. Tuy nhiên, đối thủ của ông bà Kamala Harris lại đang thu hẹp khoảng cách về vấn đề này.

New York Times bình luận, phần lớn cử tri đánh giá nền kinh tế ở mức trung bình hoặc kém, dù lạm phát đã hạ nhiệt và các chỉ số truyền thống khác vẫn tích cực. Hầu hết người Mỹ đều có cái nhìn tiêu cực về nền kinh tế. Khi cử tri thất vọng về tình hình kinh tế, họ có xu hướng tìm kiếm sự thay đổi trong cuộc bầu cử Tổng thống.

USA Today cho rằng, giá trị nhà tăng cao là yếu tố then chốt tại các bang dao động, khi lý thuyết "homevoter" chi ra rằng sự gia tăng giá trị tài sản giúp cử tri Mỹ cảm thấy an tâm và dễ ủng hộ đảng đương nhiệm. Cứ mỗi 1% tăng trưởng giá nhà, khả năng cử tri giữ nguyên ủng hộ đảng đương nhiệm tăng gần 0,5%.

Dù nền kinh tế Mỹ đang gặp nhiều thách thức, kết quả cuộc bầu cử năm nay sẽ phụ thuộc vào cảm nhận của cử tri về sự ổn định kinh tế trong những ngày nước rút này trước thềm bầu cử chính thức - ngày 5/11 tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước