Đấu pháo vẫn diễn ra tại khu vực Nagorno-Karabakh

Thế giới hôm nay-Thứ sáu, ngày 02/10/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Bộ Quốc phòng Azerbaijan ngày 1/10 công bố những hình ảnh cho thấy, đấu pháo vẫn đang diễn ra tại khu vực Nagorno-Karabakh.

Trong đêm 30/9 và rạng sáng 1/10, Bộ Quốc phòng Armenia tuyên bố đã bắn hạ 3 trực thăng của quân đội Azerbaijan. Tuy nhiên, thông tin này đã bị Azerbaijan bác bỏ.

Giao tranh dữ dội giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan bùng phát từ ngày 27/9 liên quan đến khu vực Nagorno-Karabakh được cho là đã khiến hàng chục người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương. Cho tới lúc này, cả Armenia và Azerbaijan đều bác bỏ những lời kêu gọi tiến hành đàm phán.

Xung đột Armenia và Azerbaijan đang có nguy cơ phức tạp hơn với sự can dự của bên ngoài, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có vị trí địa lý rất gần với Armenia và Azerbaijan.

Thổ Nhĩ Kỳ công khai ủng hộ Azerbaijan

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 30/9 đã công khai ủng hộ Azerbaijan và tuyên bố sẵn sàng làm mọi thứ cần thiết nếu nhận được yêu cầu hỗ trợ quân sự từ Azerbaijan. Thổ Nhĩ Kỳ vốn là quốc gia có đường biên giới tiếp giáp với Armenia. Nếu xảy ra thì Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan sẽ tạo thành thế gọng kìm bao vây Armenia.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói: "Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sát cánh cùng người bạn, người anh em Azerbaijan bằng cả trái tim và nguồn lực. Khu vực này sẽ chỉ có hòa bình khi Armenia ngay lập tức rút khỏi các khu vực chiếm đóng củaAzerbaijan".

Ngày hôm qua, Armenia đã công bố những hình ảnh xác của chiến đấu cơ SU-25 mà nước này khẳng định đã bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ. Đại sứ Armenia tại Nga cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi khoảng 4.000 chiến binh từ Bắc Syria đến Azerbaijan để tham gia chiến sự. Azerbaijan đã phủ nhận thông tin này và cho rằng đó là một sự khiêu khích từ phía Armenia.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện là đồng minh của Azerbaijan. Nga thì có ký kết hiệp ước quốc phòng tương hỗ với Armenia. Giới quan sát lo ngại sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ mở ra mặt trận thứ ba trong cuộc đối đầu với Nga, sau chiến trường Syria và Lybia.

Cộng đồng quốc tế lúc này đang kêu gọi các bên kiềm chế. Trong đó, Nga đề xuất đứng ra tổ chức đàm phán giữa Armenia và Azerbaijan.

Đấu pháo vẫn diễn ra tại khu vực Nagorno-Karabakh - Ảnh 1.

Armenia - Azerbaijan có một lịch sử căng thẳng, xung đột phức tạp và dai dẳng. (Ảnh minh họa. Nguồn: TASS)

Nga đang nỗ lực làm trung gian hòa giải

Có thể thấy là Nga đang nỗ lực làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan, với tư cách là một quốc gia đối tác và là đồng chủ tịch của nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu OSCE. Cả hai nước đều thuộc Liên Xô cũ là láng giềng có quan hệ chính trị - kinh tế tốt với chính quyền Tổng thống Putin. Azerbaijan hiện sở hữu số lượng lớn khí tài Nga, trong khi Armenia là thành viên Liên minh kinh tế Á-Âu và có cả hiệp ước quốc phòng với Nga. Giải quyết được xung đột ở Karabakh lúc này giúp Nga ổn định tình hình ở Kavkaz, tránh được thế đương đầu với cả Thổ Nhĩ Kỳ.

Trên thực tế, Nga không xa lạ với cuộc xung đột vũ trang ở Karabakh và đã có kinh nghiệm trong đàm phán với Armenia và Azerbaijan. Nga từng làm trung gian hòa giải cho thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc chiến tranh ở Karabakh vào tháng 5/1994 và góp phần kết thúc "Chiến tranh 4 ngày" tháng 4/2016. Cùng với Pháp và Mỹ, là hai thành viên khác của Nhóm Minsk, Nga đã tích cực thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa Baku và Yerevan trong nhiều năm qua. Theo nhận định của giới chuyên gia thì lúc này Nga có đầy đủ lợi ích cùng công cụ để thúc đẩy tiến trình hạ nhiệt xung đột ở Karabakh và Moscow cũng nhận thức rõ điều này.

Bản chất cuộc xung đột dai dẳng giữa Armenia - Azerbaijan là về tranh chấp lãnh thổ và xung đột sắc tộc giữa hai bên. Vì thế cộng đồng quốc tế vẫn kêu gọi việc này cần để hai nước giải quyết qua đối thoại, tránh có sự can dự quân sự của bên thứ ba làm phức tạp thêm tình hình.

Nga đề xuất tổ chức đàm phán giữa Armenia và Azerbaijan Nga đề xuất tổ chức đàm phán giữa Armenia và Azerbaijan Nguy cơ mở rộng xung đột Armenia - Azerbaijan Nguy cơ mở rộng xung đột Armenia - Azerbaijan Nga kêu gọi Armenia và Azerbaijan ngừng leo thang căng thẳng Nga kêu gọi Armenia và Azerbaijan ngừng leo thang căng thẳng

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước