Ông Christian Lindner nói trong bình luận với hãng tin DPA được công bố hôm 2/4.
Theo đó, các khoản chi tiêu quốc phòng bổ sung có thể được giải phóng nếu Đức đạt được khoản nợ dưới mục tiêu do EU đặt ra là 60% tổng sản phẩm quốc nội từ mức 63%.
Chính phủ Đức đã cấp các khoản vay khẩn cấp với tổng trị giá khoảng 300 tỷ Euro vào các năm 2020, 2021 và 2022 để ứng phó với đại dịch COVID-19 và cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời tạm dừng việc phanh nợ nhằm hạn chế việc vay mượn của chính phủ.
Đức đang lên ngân sách để trả nợ 9 tỷ Euro mỗi năm kể từ năm 2028 và 10,8 tỷ Euro mỗi năm kể từ năm 2031.
Ông Christian Lindner nói: "Điều này sẽ cung cấp hàng tỷ USD để giúp chúng tôi đạt được bước nhảy vọt về mục tiêu của NATO trong ngân sách liên bang sau khi kết thúc chương trình đặc biệt dành cho lực lượng vũ trang quốc gia (Bundeswehr)".
Sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, Đức đã thành lập quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ Euro để mua vũ khí hiện đại. Đức cũng cam kết đạt được mục tiêu của NATO là chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng.
Chính phủ Đức hiện đang chuẩn bị ngân sách cho năm 2025 và kế hoạch tài chính đến năm 2028.
Năm 2028 được coi là đặc biệt khó khăn vì quỹ đặc biệt sẽ cạn nguồn dự trữ và có thể sẽ cần thêm 20 đến 25 tỷ Euro trong ngân sách quốc phòng thường xuyên để đáp ứng hạn ngạch chi tiêu của NATO.
Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ Đức gia hạn trả nợ các khoản vay nhằm tạo dư địa mới cho chi tiêu. Chiến thuật này đã được sử dụng vào năm 2022 bằng cách hợp nhất các kế hoạch trả nợ cho các khoản vay khủng hoảng năm 2020 và 2021 với các khoản vay mới được lên kế hoạch cho năm 2022 và ấn định thời gian trả nợ là 31 năm từ năm 2028 đến năm 2058.
Điều này mang lại cho Chính phủ Đức một khoản lãi bổ sung vài tỷ Euro mỗi năm, vì việc hoàn trả các khoản vay khủng hoảng cũ lẽ ra đã bắt đầu sớm hơn và được lên kế hoạch trong thời gian ngắn hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!