Bà Karrenbauer chỉ nhấn mạnh thực tế rằng, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Đức có vai trò đảm bảo an ninh cho các đồng minh châu Âu - cũng như an ninh của chính nước Mỹ. Hiện nay, nhiều hãng truyền thông uy tín đưa tin chính quyền của Tổng thống Donald Trump dự định rút 1/3 binh lính Mỹ đang đồn trú ở Đức.
Theo báo Tấm gương (Spiegel), Nhà Trắng thông báo cho các bộ phận của Quốc hội Mỹ về kế hoạch đến mùa Thu năm 2020 sẽ rút từ 5.000 đến 15.000 binh sĩ trong tổng số khoảng hơn 30.000 lính Mỹ khỏi Đức. Trong khi đó, tờ Wall Street Journal cho biết, Tổng thống Trump muốn rút 9.500 lính Mỹ khỏi Đức trong tháng 9 tới và sẽ giới hạn lâu dài ở con số khoảng 25.000 binh sĩ.
Tại châu Âu, binh sĩ Mỹ đóng ở Đức là nhiều nhất với khoảng 34.500 quân
Kế hoạch Mỹ rút quân dù chưa được các quan chức xác nhận, nhưng cũng đủ tạo ra nhiều đồn đoán, rồi lo ngại. Rất dễ hiểu bởi Đức vốn là một phần quan trọng trong chiến lược quốc phòng của Mỹ ở châu Âu kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai.
Mỹ hiện có 21 căn cứ quân sự tại Đức
Tầm quan trọng chiến lược của Đức đối với nước Mỹ thể hiện qua việc đặt trụ sở Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ tại châu Âu (US European Command (EUCOM) ở thành phố Stuttgart - Tây Nam nước Đức. Nơi này đóng vai trò như là tổng hành dinh phối hợp cho tất cả lực lượng quân đội Mỹ ở 51 quốc gia châu Âu.
Mỹ hiện có 21 căn cứ quân sự tại Đức. Ở châu Âu, lính Mỹ đóng ở Đức là nhiều nhất - hiện nay vào khoảng 34.500 quân. Trong số này có trên 27.000 lính bộ binh và gần 13.000 quân lực của Không quân. Dư luận châu Âu hiện rất quan tâm đến chủ đề này.
Cho đến lúc này thì Mỹ vẫn chưa xác nhận mà cũng không cải chính là có kế hoạch rút bớt quân Mỹ đồn trú tại Đức. Vì Mỹ chưa chính thức quyết định, cho nên Đức và các nước châu Âu khác chưa thể có phản ứng gì được.
Ngày hôm qua, Người phát ngôn của Chính phủ Đức và Bộ trưởng Quốc phòng Đức đều từ chối bình luận. Cũng trong ngày hôm qua, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương NATO cũng chỉ trả lời chung chung, là NATO luôn luôn tham vấn với Chính phủ Mỹ về sự hiện diện của lính Mỹ tại châu Âu. Nếu Mỹ thực sự quyết định như vậy và không thảo luận trước với Đức và NATO thì sẽ là sự kiện nữa cho thấy Mỹ đơn phương giảm bớt cam kết bảo vệ châu Âu trong khuôn khổ NATO.
Nếu kế hoạch rút quân được thực hiện, quan hệ đồng minh Mỹ - Đức sẽ ra sao?
Tại châu Âu, quân Mỹ đóng tại Đức nhiều nhất, sau đó là tại Italy, Anh và Tây Ban Nha, trong khuôn khổ NATO chứ không chỉ nhằm bảo vệ các nước này. Căn cứ quân sự Mỹ tại Stuttgart là tổng hành dinh phối hợp các chiến dịch NATO tại châu Âu và châu Phi. Căn cứ không quân ở Ramstein miền Tây nước Đức điều hành việc chuyển quân và trang thiết bị trong các cuộc chiến tại Iraq và Afghansitan.
Nếu Mỹ đơn phương giảm 1/4 quân số tại Đức, thì trước tiên đó là giảm cam kết với các đồng minh châu Âu. Cho đến lúc này vẫn chưa biết Mỹ có thực sự quyết như vậy hay không và nếu có thì mục đích của Mỹ có phải chỉ đơn thuần là giảm chi phí hay không, hay là một hành động nhằm mục tiêu đối nội của Mỹ.
Tổng thống Donald Trump cho rằng Nato đừng nên quá phụ thuộc vào Hoa Kỳ. Ảnh: Getty Images
Quyết định rút bớt binh lính Mỹ ra khỏi Đức (nếu có), được cho là sẽ khiến mối quan hệ chiến lược giữa Washington và Berlin, cũng như giữa Mỹ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rẽ sang một khúc quanh mới.
Tranh cãi về việc tăng đóng góp chi phí quân sự giữa Mỹ và các đồng minh NATO ai cũng rõ. Ngoại trưởng Đức cũng thừa nhận mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương Đức - Mỹ thời gian này đã trở nên phức tạp, nhưng cũng không ai dám chắc Tổng thống Trump có thực sự thực hiện kế hoạch rút quân hay không.
Mới hôm thứ Hai vừa rồi, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ. Ông Stoltenberg cho biết họ đã bàn luận về tầm quan trọng của việc giữ cho NATO luôn vững chắc trong một thế giới ngày càng cạnh tranh cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!