Xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thành phố Đại Liên, Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Một trong hai "điểm nóng" hiện nay của quốc gia này là ổ dịch tại thành phố cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Dù đã phong tỏa theo kiểu thời chiến và xét nghiệm toàn bộ 6 triệu dân thành phố nhưng ổ dịch này vẫn khiến cho nhiều chuyên gia lo lắng bởi hiện nay, ổ dịch đã lây cho nhiều tỉnh thành khác tại Trung Quốc.
Liệu có mối liên quan gì giữa dịch COVID-19 với chợ, với thủy hải sản? Các ca bệnh không triệu chứng có nguy cơ bùng phát dịch như thế nào?
Ổ dịch đến từ công ty hải sản Khải Dương
Ngày 22/7, một nhân viên của Công ty Hải sản Thế giới Khải Dương, Đại Liên (Dalian Kaiyang World Seafood Co, Ltd) đã có kết quả dương tính với COVID-19. Qua xét nghiệm, cơ quan y tế địa phương cho biết, nhiều mẫu phẩm lấy từ xưởng chế biến, thực phẩm kho đông lạnh, khu ký túc xá, nhà ăn, nhà vệ sinh công cộng và khu làm việc của công ty này dương tính với virus SARS-CoV-2.
Đây là một công ty lớn chuyên kinh doanh trong các lĩnh vực đánh bắt, chế biến, kho bãi, xuất nhập khẩu các mặt hàng thủy hải sản. Toàn bộ nhân viên, người thân và những người tiếp xúc trực tiếp với công ty bị cách ly 14 ngày. Những người nguy cơ cao này được xét nghiệm axit nucleic ít nhất 2 lần.
Ngày 26/7, chính quyền thành phố quyết định mở chiến dịch xét nghiệm axit nucleic đối với 6 triệu dân toàn thành phố trong vòng 4 ngày.
Chính quyền thành phố Đại Liên họp báo về dịch COVID-19 (Ảnh: ChinaNews)
Đến sáng 30/7, sau hơn 1 tuần bùng phát, thành phố Đại Liên đã ghi nhận 57 ca lây nhiễm trong cộng đồng và vẫn chưa tìm ra nguồn lây. Từ ổ dịch tỉnh phía Đông Bắc này, dịch đã lây tới tỉnh Phúc Kiến, cách hàng nghìn km.
Hiện nay, ổ dịch ở Đại Liên đã lây ra các địa phương của tỉnh Liêu Ninh, Hắc Long Giang, Cát Lâm, Phúc Kiến, Bắc Kinh. Người dân Đại Liên muốn ra khỏi thành phố phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 7 ngày.
Thành phố Đại Liên đã tiến hành phong tỏa theo kiểu "thời chiến". Hiện cơ quan chức năng đã cơ bản hoàn thành công tác xét nghiệm cho toàn bộ cư dân thành phố. Nhiều dịch vụ đông người như rạp chiếu phim, quán bar, thư viện, bảo tàng, bến tàu xe đã được đóng cửa để hạn chế nguồn lây.
Chợ và hải sản liên quan gì đến dịch COVID-19?
Lại một lần nữa ổ dịch COVID-19 liên quan đến thủy hải sản, liên quan đến chợ khiến nhiều chuyên gia đặt nghi vấn bởi ổ dịch ở thành phố Vũ Hán cũng từ chợ hải sản Hoa Nam, Vũ Hán. Ổ dịch thành phố Bắc Kinh hồi đấu tháng 6 cũng liên quan đến chợ đầu mối Tân Phát Địa.
Đến nay, các chuyên gia vẫn chưa có kết luận chính thức về mối liên quan giữa COVID-19 với thủy hải sản và chợ. Nhưng những kết luận ban đầu của cơ quan chức năng về ổ dịch ở chợ Tân Phát Địa không liên quan đến cá hồi, nhiều ý kiến cho rằng có thể liên quan đến bề mặt các bao bì hàng hóa nhập khẩu vào có dính virus SARS-CoV-2.
Hiện nay, các chợ đầu mối, chợ có bán thủy hải sản ở các thành phố lớn tại Trung Quốc được kiểm soát nghiêm ngặt các điều kiện buôn bán để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Thủy hải, sản nhập khẩu, nhất là cá hồi, vắng bóng hẳn trên các sạp.
Liệu có những bí ẩn gì giữa dịch COVID-19 ở Vũ Hán và Bắc Kinh? Chuyên gia dịch tễ uy tín Ngô Tôn Hữu đến từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc cho rằng, tình trạng ẩm ướt, nhiệt độ thấp ở chợ là điều kiện để virus dễ lây lan. Ở ổ dịch chợ Tân Phát Địa, quận Phong Đài, thành phố Bắc Kinh, cơ quan chức năng nghi vấn các gian hàng hải sản. Còn chợ đầu mối Hoa Nam, Vũ Hán, cơ quan chức năng chú ý nhiều hơn tới các gian bán động vật hoang dã. Lần này, các chuyên gia cũng đang truy tìm nguyên nhân từ các mặt hàng hải sản ở Đại Liên.
Trong chuyến chỉ dạo công tác phòng chống dịch tại thành phố Đại Liên, Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan chỉ đạo, các ngành chức năng Đại Liên cần siết chặt kiểm soát người ra vào tại các cửa khẩu, nhất là tăng cường kiểm soát hàng hóa nhập khẩu.
Đại Liên thực hiện xét nghiệm toàn cư dân thành phố (Ảnh: Đại Liên Nhân báo)
Mối lo dịch lây lan từ các ca bệnh không triệu chứng
Trong các ổ dịch ở các thành phố, tỉnh Hắc Long Giang nghi lây nhiễm liên quan đến làn sóng nhập cảnh từ biên giới Nga; dịch ở thành phố Bắc Kinh liên quan đến chợ hải sản; dịch thủ phủ Urumqi, Khu Tự trị Tân Cương, vẫn chưa xác định được nguồn lây từ đâu; ổ dịch ở thành phố cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh liên quan đến một công ty hải sản.
Sự xuất hiện với tần suất dày của các ổ dịch vài trăm ca trong cộng đồng khiến cho các chuyên gia lo lắng về nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh, dù đến nay các cơ quan chức năng Trung Quốc chưa đề cập gì đến làn sóng lây bệnh thứ hai. Thực tế, sau khi Trung Quốc tạm khống chế dịch ổn ở Vũ Hán cuối tháng 4, riêng thành phố Bắc Kinh đã ghi nhận ổ dịch 256 ca mắc COVID-19 đầu tháng 6, vừa dẹp xong đầu tháng 7 thì lại ghi nhận 3 ca trong cộng đồng.
Điều đặc biệt đáng lo hơn là các ca bệnh liên quan đến ổ dịch ở Đại Liên lây cho thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến hay lây cho thành phố Bắc Kinh đều có điểm chung là ca bệnh không triệu chứng. Điều này khiến các địa phương vô cùng khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh bởi xét nghiệm khó phát hiện mà phải xét nghiệm nhiều lần.
Hiện nay, đối với cả hai ổ dịch 418 ca ở Urumqi, Khu Tự trị Tân Cương và 57 ca tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, giới chức y tế đều xét nghiệm lần 2 với những đối tượng nguy cơ cao, vùng nguy hiểm để phát hiện bệnh từ các ca âm tính giả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!