Hơn 554,28 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 89,52 triệu ca mắc và hơn 1,043 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 5.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 3/7, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,5 triệu người mắc COVID-19, bao gồm 525.199 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại nước này.
Ngày 3/7, Ấn Độ công bố số liệu cho thấy, quốc gia Nam Á này ghi nhận hơn 17.000 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ. Như vậy, con số này đã tăng mạnh trở lại sau 4 tháng tạm lắng. Ngoài ra, có thêm 31 người không qua khỏi. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, tỷ lệ nhiễm mới hàng ngày tại đây hiện ở mức 4,27%, trong khi tỷ lệ nhiễm hàng tuần là 3,81%.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 671.900 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 32,47 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi người dân đi tiêm phòng để cơ thể phục hồi khả năng miễn dịch cao hơn khi số ca mắc mới COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng mạnh tại một số quốc gia. Cần tiêm chủng đúng lịch và nâng cao cảnh giác bởi số ca mắc đang gia tăng ở 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới. Cụ thể, số người nhiễm virus SARS-CoV-2 đã tăng tới 18% chỉ trong tuần qua.
Theo WHO, châu Âu và Đông Nam Á chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng hơn 30%, châu Mỹ tăng 14%. WHO nhận định, khả năng theo dõi sự biến đổi gene của virus SARS-CoV-2 trên thế giới đang gặp khó khăn khi các quốc gia nới lỏng những hạn chế phòng chống dịch. Điều này có thể khiến việc phát hiện các biến thể mới đang nổi lên và có khả năng nguy hiểm trở nên khó khăn hơn. Từ đó, WHO cảnh báo rằng đại dịch COVID-19 còn lâu mới kết thúc nếu các nước không tăng cường cảnh giác.
Giới chức y tế Canada khuyến cáo, những người đủ điều kiện tiêm liều tăng cường vaccine phòng COVID-19 cần khẩn cấp tiêm ngay mũi thứ ba, trước khi các biến thể mới của Omicron lan rộng trong những tuần tới. Người đứng đầu Cơ quan Y tế Công cộng Canada cho biết, các biến thể có khả năng né tránh miễn dịch như BA.4 và BA.5 sẽ trở nên phổ biến vào cuối hè và đầu thu này. Đây cũng là thời điểm Canada bước vào mùa virus gây bệnh đường hô hấp. Do vậy, biện pháp phòng thủ tốt nhất để chống lại làn sóng lây nhiễm này là tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine COVID-19 tại Montreal, Canada. (Ảnh: AP)
Canada đang chậm hơn so với các nước phát triển khác về tỷ lệ bao phủ mũi tiêm tăng cường, chỉ 60% người lớn đã tiêm mũi thứ ba. Theo dữ liệu thu thập trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, khi biến thể Omicron hoạt động rất mạnh ở Canada, những người được tiêm mũi tăng cường có nguy cơ nhập viện thấp hơn 5 lần và nguy cơ tử vong thấp hơn 7 lần so với người chưa tiêm.
Chính phủ Italy đã điều chỉnh quy định đeo khẩu trang tại nơi làm việc để phòng dịch COVID-19, theo đó, người lao động thuộc khu vực tư nhân không còn phải bắt buộc đeo khẩu trang. Tuy nhiên, theo các quy định mới được công bố vào ngày 30/6 và có hiệu lực đến ngày 31/10, Chính phủ Italy nhấn mạnh rằng việc sử dụng khẩu trang FFP2 vẫn là "một biện pháp bảo vệ quan trọng để bảo vệ sức khỏe của người lao động, nhằm ngăn ngừa COVID-19 trong bối cảnh họ phải làm việc trong môi trường khép kín hoặc những nơi mà các cá nhân không thể cách xa nhau 1 m do tính chất đặc thù của các hoạt động công việc".
Các công ty tư nhân phải đảm bảo việc cung cấp khẩu trang FFP2 cho toàn bộ người lao động, đặc biệt là những người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất do môi trường làm việc hoặc do sức khỏe kém. Người sử dụng lao động cũng phải đảm bảo rằng các khu vực chung như cantine, khu vực hút thuốc và phòng thay đồ được thông gió và vệ sinh đầy đủ.
Chính phủ Italy nhấn mạnh, các quy định mới là "sự đơn giản hóa quan trọng của khung quy định, nhưng không phải áp dụng cho mọi trường hợp do sự gia tăng các ca mắc mới COVID-19 trong những ngày gần đây".
Nga thông báo chấm dứt toàn bộ các hạn chế được áp dụng để phòng dịch COVID-19, bao gồm quy định đeo khẩu trang, trong bối cảnh số ca tử vong do dịch bệnh này giảm đều. Tuy nhiên, Nga không loại trừ khả năng tái áp đặt các biện pháp hạn chế nếu tình hình xấu đi.
Cơ quan giám sát tiêu dùng Nga (Rospotrebnadzor) nêu rõ, cơ quan này "đình chỉ các hạn chế áp dụng trước đây, bao gồm quy định đeo khẩu trang, lệnh cấm ăn uống nơi công cộng vào ban đêm và một số biện pháp khác". Theo Rospotrebnadzor, khả năng lây lan của virus tại Nga phù hợp với các xu hướng trên toàn cầu, theo đó 93% số ca mắc là nhẹ hoặc không triệu chứng.
Giới chức Pháp đã "khuyến khích" hoặc "khuyến nghị" người dân quay lại sử dụng khẩu trang, nhưng đã ngừng gia hạn các biện pháp hạn chế do các lệnh cấm này có thể khiến du khách e ngại hoặc gây bùng phát các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Số ca nhập viện do COVID-19 tăng nhanh ở Pháp trong hai tuần qua, với gần 1.000 bệnh nhân nhiễm COVID-19 nhập viện mỗi ngày, theo dữ liệu của Chính phủ Pháp. Theo ước tính của trang Our World in Data, tình trạng gia tăng số ca nhiễm COVID-19 cũng đang diễn ra ở các quốc gia châu Âu khác, nhưng Pháp có tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 điều trị trong bệnh viện đặc biệt cao.
Số ca tử vong do COVID-19 tại Australia là 9.984 trường hợp vào ngày 2/7 và vượt mốc 10.000 người trong ngày 3/7. Bang New South Wales báo cáo thêm hai trường hợp tử vong do COVID-19 vào ngày 3/7, bang Nam Úc ghi nhận 6 người, trong khi bang Victoria có 22 bệnh nhân không qua khỏi.
Trước cuộc họp của Bộ trưởng Bộ Y tế các bang, Bộ trưởng Bộ Y tế liên bang Australia Mark Butler cho biết, các nhà chức trách đang dự báo về một làn sóng bùng phát dịch mới trong những tháng tới. Ông chỉ ra rằng các biến thể phụ BA.4 và BA.5 đang chiếm ưu thế trên toàn quốc.
Trước tình hình dịch COVID-19 có nguy cơ bùng phát trở lại, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố, quy định bắt buộc đeo khẩu trang sẽ được khôi phục nếu như dịch bùng phát trên diện rộng. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Campuchia ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc COVID-19 trong 4 ngày liên tiếp vừa qua, chấm dứt chuỗi thời gian gần 2 tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen cũng trấn an người dân rằng hiện dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát. Các bệnh nhân COVID-19 mới được phát hiện đều nhẹ và có thể điều trị tại nhà, không có trường hợp nào phải nhập viện.
Hàn Quốc ghi nhận trên 10.000 trường hợp mắc COVID-19 mới trong 2 ngày liên tiếp. (Ảnh: AP)
Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 10.059 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới tại Hàn Quốc ở mức trên 10.000 trường hợp, nâng tổng số người nhiễm trên cả nước lên 18.389.611.
Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) nhấn mạnh, dù số ca mắc mới theo ngày đã giảm nhẹ so với mức 10.715 ca một ngày trước đó, nhưng vẫn cao hơn so với mức 6.238 người cách đây một tuần, đồng thời cao hơn so với mức trung bình 9.095 trường hợp/ngày trong 7 ngày qua.
KDCA cho biết thêm, với 8 ca mới không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Hàn Quốc hiện là 24.570 người. Ngoài ra, số ca bệnh nguy kịch vẫn là 53 bệnh nhân, không thay đổi so với ngày trước đó.
Cùng ngày, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo, Trung Quốc đại lục ghi nhận 385 ca mắc mới COVID-19, gồm 75 người lây nhiễm trong cộng đồng và 310 trường hợp không triệu chứng. Theo NHC, trong số ca lây nhiễm cộng đồng, có tới 61 người tại tỉnh An Huy, 6 tại tỉnh Sơn Đông, tỉnh Giang Tô và Sơn Tây đều ghi nhận 3 trường hợp, còn thành phố Thượng Hải phát hiện 2 bệnh nhân.
Trong khi đó, 310 ca mắc mới không triệu chứng được ghi nhận tại 6 tỉnh, trong đó riêng An Huy có tới 231 ca, Giang Tô 56, Sơn Đông 10...
Ngày 3/7, thành phố Vô Tích thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã thắt chặt các biện pháp kiểm soát COVID-19 sau khi báo cáo 31 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 mới. Thành phố Vô Tích đã tạm dừng hoạt động tại nhiều địa điểm công cộng ngầm dưới lòng đất, bao gồm các cửa hàng và siêu thị. Những dịch vụ phục vụ bữa ăn tại các nhà hàng đã bị đình chỉ và chính quyền thành phố khuyến cáo người dân nên làm việc tại nhà.
NHC cho biết thêm, với 40 bệnh nhân được xuất viện, số người khỏi COVID-19 tại Trung Quốc đại lục hiện tăng lên 220.115 người. Trong khi đó, số ca tử vong vì COVID-19 tại đây vẫn không thay đổi và ở mức 5.226 trường hợp.
Thực hiện nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ thông báo, công dân Mỹ sẽ được nhập cảnh Trung Quốc nếu quá cảnh qua nước thứ 3. Cụ thể, công dân Mỹ nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 ngay từ bây giờ có thể đăng ký nhập cảnh để được cấp mã Xanh nhập cảnh Trung Quốc đối với cả trường hợp bay thẳng từ Mỹ hoặc từ nước thứ 3. Trước đó, Trung Quốc chỉ cấp mã Xanh cho người bay thẳng từ Mỹ.
Trung Quốc: Ổ dịch COVID-19 mới bùng phát, thành phố Vô Tích siết chặt các hạn chế VTV.vn - Ngày 3/7, thành phố Vô Tích thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã thắt chặt các biện pháp kiểm soát COVID-19 sau khi báo cáo 31 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 mới. | Campuchia cân nhắc khôi phục quy định đeo khẩu trang, Israel xem xét tiêm vaccine cho trẻ từ 6 tháng tuổi VTV.vn - Đến sáng 3/7, thế giới có trên 553,91 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,36 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này. | Số ca COVID-19 tăng ở 110 quốc gia, WHO cảnh báo đại dịch còn lâu mới kết thúc VTV.vn - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, các ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng ở 110 quốc gia, với số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng 18% trong tuần qua. |
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!