Số ca mắc mới ở Hàn Quốc tăng 3 lần trong 2 tuần, Ấn Độ ra mắt vaccine COVID-19 công nghệ ADN đầu tiên

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ bảy, ngày 05/02/2022 06:51 GMT+7

Đến nay, hơn 390,99 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 5/2, thế giới có trên 390,99 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,74 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 77,35 triệu ca mắc và gần 923.600 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 165.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 4/2, nước này ghi nhận thêm 125.941 ca mắc mới COVID-19. Như vậy, tổng cộng trên 42 triệu người mắc COVID-19 ở quốc gia này, bao gồm hơn 501.000 người thiệt mạng.

ZyCoV-D, loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ ADN do Ấn Độ sản xuất đã sẵn sàng để đưa vào sử dụng tại bang Bihar, miền Đông nước này. Vaccine ZyCoV-D sử dụng một đoạn vật liệu di truyền từ virus chứa chỉ dẫn dưới dạng ADN hoặc ARN. Khi được đưa vào cơ thể, vaccine sẽ tạo ra các protein gai như của virus SARS-CoV-2 để kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Khác với hầu hết các loại vaccine hiện có cần 1 đến 2 mũi, vaccine ZyCoV-D được chia thành 3 mũi và giữ được "trạng thái ổn định tốt" ở 25 độ C trong ít nhất 3 tháng. Nhà sản xuất loại vaccine này kỳ vọng có thể sản xuất 100 triệu đến 120 triệu liều vaccine ZyCoV-D mỗi năm. Trước đó, vaccine ZyCoV-D đã được Cơ quan Quản lý dược phẩm Ấn Độ cấp phép sử dụng khẩn cấp cho cả người lớn và thiếu niên.

Số người tử vong do COVID-19 được xác nhận ở Ấn Độ đã vượt mốc 500.000 vào ngày 4/2. Theo số liệu chính thức, quốc gia có số người tử vong do COVID-19 cao thứ tư trên toàn cầu này đã ghi nhận 400.000 người thiệt mạng vào tháng 7/2021 sau đợt bùng phát nghiêm trọng do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2. Một số chuyên gia tin rằng, con số này thực tế còn cao hơn nhiều.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với gần 630.500 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 26,27 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này. Ngày 4/2, Brazil báo cáo 176.096 ca nhiễm mới.

Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sau hai năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, châu Âu có thể sẽ sớm bước vào một "giai đoạn yên ổn kéo dài" nhờ tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh cao, biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn và mùa đông lạnh giá sắp kết thúc. Theo giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge, diễn biến dịch COVID-19 hiện nay ở châu Âu đang mở ra hy vọng về một giai đoạn lắng dịu trong một thời gian dài. Ông Kluge cũng cho rằng, châu Âu sẽ ứng phó tốt hơn với nguy cơ bùng phát các làn sóng lây nhiễm mới, kể cả với những biến thể có khả năng lây truyền nhanh hơn biến thể Omicron, mà không cần tái áp đặt các biện pháp phong tỏa.

Tuy nhiên, quan chức WHO cảnh báo, viễn cảnh tươi sáng nêu trên chỉ có thể trở thành hiện thực nếu các quốc gia tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng và tăng cường theo dõi, phát hiện các biến thể mới.

Số ca mắc mới ở Hàn Quốc tăng 3 lần trong 2 tuần, Ấn Độ ra mắt vaccine COVID-19 công nghệ ADN đầu tiên - Ảnh 1.

Châu Âu có thể sẽ sớm bước vào một "giai đoạn yên ổn kéo dài". (Ảnh: AP)

Anh đã phê duyệt vaccine dựa trên protein của Novavax cho người trên 18 tuổi, đây là loại vaccine COVID-19 mới đầu tiên được cơ quan quản lý y tế Anh cho phép sử dụng ở nước này. Vaccine COVID-19 do công ty Novavax của Mỹ sản xuất dựa trên protein, không phải vật chất di truyền từ virus.

Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy, vaccine cung cấp khả năng bảo vệ chống lại các ca nhiễm COVID-19 có triệu chứng do chủng virus gốc được phát hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán và biến thể Alpha gây ra lên tới 89%. Hiện Novavax đang nghiên cứu phiên bản hiệu chỉnh của vaccine chống lại biến thể Omicron.

Tây Ban Nha thông báo sẽ hủy bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở ngoài trời từ ngày 8/2, chính thức chấm dứt biện pháp được tái áp đặt từ cuối tháng 12/2021 khi xuất hiện biến thể Omicron khiến số ca nhiễm tăng cao. Phát biểu trên đài phát thanh Cadena Ser, Bộ trưởng Y tế Carolina Darias cho biết, quyết định trên sẽ được nội các phê chuẩn trong cuộc họp ngày 8/2 tới. Bà giải thích quyết định trên được đưa ra trên cơ sở thời gian gần đây tình hình dịch bệnh đã được cải thiện rõ rệt.

Tây Ban Nha lần đầu tiên áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài từ tháng 5/2020 và đã dỡ bỏ hồi tháng 6/2021 nhưng vẫn bắt buộc đeo trong không gian phòng kín. Trong vài tuần gần đây, nhiều vùng ở Tây Ban Nha đã dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch. Vùng Catalonia (Đông Bắc) thậm chí không yêu cầu hộ chiếu COVID khi vào quán rượu, nhà hàng và phòng tập.

Tây Ban Nha hiện ghi nhận khoảng 10,2 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 94.000 trường hợp tử vong vì COVID-19.

Ngày 4/2, Tổng thống Áo đã ký ban hành luật bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 đối với người trưởng thành. Qua đó đưa nước này trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) áp dụng quy định này.

Luật áp dụng với tất cả người lớn, trừ phụ nữ mang thai và những người được miễn trừ vì lý do y tế. Sau giai đoạn "giới thiệu" luật, những người không tiêm vaccine ngừa COVID-19 có thể bị phạt đến 3.600 Euro (4.100 USD) vào giữa tháng 3 tới. Hiện mới chỉ có một số ít quốc gia áp dụng quy định bắt buộc tiêm vaccine COVID-19, trong đó có Ecuador, Tajikistan, Turkmenistan, Indonesia và Micronesia.

Nhằm mở rộng thu hút du khách từ các nước láng giềng, Thái Lan đang lên kế hoạch lập "bong bóng du lịch" cho các điểm đến chặng ngắ sau khi chương trình du lịch "Test & Go" nối lại vào đầu tháng 1 này. Các sáng kiến "bong bóng du lịch" này sẽ đặc biệt chú trọng tới các quốc gia lân cận có lưu lượng qua lại biên giới lớn như Lào, Campuchia và Malaysia. Vấn đề trên có thể sẽ được đưa ra thảo luận khi Thủ tướng Malaysia tới thăm Thái Lan vào cuối tháng 2 này.

Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan, hơn 35.000 khách du lịch đã đăng ký thẻ "Thailand Pass" trong ngày đầu tiên mở cửa trở lại vào ngày 1/2, trong đó có hơn 31.000 khách cho chương trình "Test & Go". Hiện Chính phủ Thái Lan cũng đang cân nhắc bỏ yêu cầu xét nghiệm RT-PCR với du khách.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 4/2 kêu gọi người dân nên bình tĩnh đối mặt với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và tuân thủ các quy định phòng dịch cũng như đi tiêm chủng.

Theo Tổng thống Jokowi, biến thể Omicron có tốc độ truyền cao, nhưng có tỷ lệ tử vong thấp hơn so với biến thể Delta. Thực tế là ở nhiều nước, tỷ lệ nhập viện vì Omicron tương đối thấp và ở Indonesia cũng vậy. Tổng thống Jokowi cho rằng những người bị nhiễm biến thể Omicron có thể được chữa khỏi tại nhà mà không cần đến bệnh viện. Theo ông, bệnh nhân chỉ cần tự cách ly tại nhà, uống thuốc và vitamin tổng hợp và xét nghiệm lại sau 5 ngày.

Tổng thống cũng nhắc nhở người dẫn bình tĩnh khi đối mặt với nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2, giữ kỷ luật trong việc duy trì các quy trình y tế và giảm các hoạt động không cần thiết. Ông kêu gọi tiêm phòng ngay cho những trẻ em chưa được tiêm, những người đã được tiêm đủ liều vaccine cơ bản nên đi tiêm mũi tăng cường ngay lập tức.

Số ca mắc mới ở Hàn Quốc tăng 3 lần trong 2 tuần, Ấn Độ ra mắt vaccine COVID-19 công nghệ ADN đầu tiên - Ảnh 2.

Người dân đeo khẩu trang chờ xe bus trong giờ cao điểm buổi sáng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AP)

Văn phòng Thủ tướng Lào thông báo, nước này đã giảm thời gian cách ly bắt buộc đối với một số đối tượng nhập cảnh nhất định từ 14 ngày xuống còn 7 ngày. Theo thông báo, nhân viên nhà nước ở tất cả các cấp sau khi đi công tác nước ngoài, công dân Lào trở về từ nước ngoài phải làm xét nghiệm RT-PCR và chờ kết quả trong vòng 48 giờ tại địa điểm cách ly đã được phê duyệt. Những người nhận được kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 sau đó có thể tự cách ly 7 ngày tại nơi ở của họ.

Bộ Y tế Lào ngày 4/2 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này tiếp tục ghi nhận số ca dương tính mới ở mức thấp với 359 ca và 4 người tử vong. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 135.660 ca COVID-19, trong đó có 562 người thiệt mạng.

Một nhóm nhà khoa học Trung Quốc cho biết họ đã phát triển một loại kháng thể mới có thể vô hiệu hóa biến thể Omicron và các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Tin từ báo South China Morning Post.

Giáo sư Huang Jinghe đến từ Đại học Phúc Đán ở thành phố Thượng Hải cho biết đã tìm ra kháng thể này một cách bất ngờ trong quá trình điều tra một căn bệnh khác. Kháng thể mới được tổng hợp từ các thành phần của 2 loại kháng thể khác nhau do các tế bào miễn dịch của con người tạo ra. Phiên bản biến thể nhân tạo này có thể phá vỡ tuyến phòng thủ của biến thể Omicron. Nó cũng có tác dụng với các biến thể đã biết trước đó của virus SARS-CoV-2 như Delta.

Quan chức đứng đầu chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga ngày 4/2 cho biết sẽ sớm tiến hành xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho toàn bộ 7,5 triệu cư dân của đặc khu, trong nỗ lực tăng cường nhằm kiểm soát đợt bùng phát mới.

Ngày 4/2, Hong Kong đã ghi nhận 131 ca nhiễm, giảm so với con số 142 ca của ngày trước đó. Mức cao kỷ lục trước đó là 164 ca được ghi nhận vào cuối tháng 1. Đến nay, Hong Kong có tổng cộng 213 người tử vong vì COVID-19 và hơn 14.500 ca nhiễm.

Hong Kong hiện đang áp dụng chính sách phòng dịch chung của Trung Quốc là quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng (Zero COVID). Trường học, trung tâm thể thao, câu lạc bộ và các địa điểm công cộng khác đều phải đóng cửa. Công chức, viên chức và người lao động chuyển sang chế độ làm việc từ xa, hàng nghìn người được đưa đi cách ly, hầu hết các chuyến bay đến Hong Kong đã phải hoãn, rất ít chuyến bay quá cảnh Hong Kong được chấp nhận.

Ngày 4/2, Hàn Quốc đã gia hạn các quy định về giãn cách xã hội chống COVID-19 thêm hai tuần khi số ca nhiễm biến thể Omicron tăng cao. Các hạn chế bao gồm lệnh giới nghiêm từ 21h hàng ngày đối với các nhà hàng và giới hạn 6 người trong các cuộc tụ tập riêng tư.

Các hạn chế về giãn cách xã hội dự kiến sẽ ​​kết thúc vào ngày 6/2 nhưng Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cho biết, việc gia hạn là cần thiết để giảm đà lây lan của biến thể Omicron trong bối cảnh lo ngại kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc vào ngày 9/2 có thể làm tăng số ca mắc mới.

Số ca mắc mới hàng ngày ở Hàn Quốc đã tăng gấp 3 lần trong hai tuần qua. Tuy nhiên, số ca tử vong và nhiễm bệnh nghiêm trọng vẫn tương đối thấp ở quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao này.

Nhật Bản ngày 4/2 thông báo, số ca mắc COVID-19 nặng tại nước này lần đầu tiên vượt mốc 1.000 ca trong vòng 4 tháng qua trong bối cảnh sự lây lan của biến thể Omicron đang khiến số trường hợp nhiễm mới ở nước này liên tục lập kỷ lục, gây gánh nặng đối với hệ thống y tế.

Theo Bộ Y tế Nhật Bản, trong 24 giờ qua, số ca bệnh nặng tại nước này đã tăng thêm 131 ca, đưa tổng số ca mắc COVID-19 nặng lên 1.042 ca, mức cao nhất kể từ tháng 9 khi biến thể Delta gây ra làn sóng lây nhiễm thứ 5. Bên cạnh đó, nước này cũng có thêm 103.038 ca mắc mới, đưa tổng số ca mắc lên trên 3 triệu trường hợp.

Sáu vận động viên Đức có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 khi đến Bắc Kinh Sáu vận động viên Đức có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 khi đến Bắc Kinh Đức chuẩn bị tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ tư Đức chuẩn bị tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ tư Biến thể phụ BA.2 của Omicron khó phát hiện hơn được tìm thấy ở 5 quốc gia châu Phi Biến thể phụ BA.2 của Omicron khó phát hiện hơn được tìm thấy ở 5 quốc gia châu Phi

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước