Thế giới rúng động khi IS tiếp tục hành quyết con tin

PV-Chủ nhật, ngày 05/10/2014 14:03 GMT+7

Con tin người Anh Alan Henning bị IS hành quyết.

Tuần qua (29/9 - 5/10), sự kiện Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiếp tục hành quyết con tin người Anh đã khiến thế giới rúng động.

1. Lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hành quyết con tin người Anh

Ngày 3/10, lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiếp tục lại gây sốc với thế giới khi tung lên mạng một đoạn video cảnh hành quyết Alan Henning, một lái xe người Anh tham gia đoàn xe tình nguyện chở hàng viện trợ cho người Syria.

Đoạn video nói trên được tung ra chỉ vài ngày sau khi IS cảnh báo Alan Henning sẽ là con tin tiếp theo bị hành quyết. Alan Henning, 47 tuổi, là lái xe taxi ở Manchester của Anh. Ông bị bắt cóc cách đây 9 tháng khi vừa cùng đoàn xe chở hàng viện trợ nhân đạo tiến vào lãnh thổ Syria.

2. Lực lượng người Kurd ở Iraq đẩy lùi IS khỏi cửa khẩu Syria

Ngày 30/9, lực lượng người Kurd ở Iraq tuyên bố đã đẩy lùi các tay súng thuộc nhóm phiến quân tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) khỏi một cửa khẩu chiến lược ở biên giới với Syria.

Hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin chính quyền người Kurd xác nhận họ đã giành quyền kiểm soát cửa khẩu Rabia, vị trí chiến lược quan trọng nhất nối thành phố Mosul lớn nhất miền Bắc Iraq với nước láng giềng Syria.

Bên cạnh đó, bộ lạc Shammar ở Rabia đã tuyên bố toàn bộ cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni lớn nhất miền Tây Bắc Iraq này sẽ tham gia chiến đấu cùng với người Kurd.

Việc giành được sự ủng hộ của các bộ lạc Sunni vốn hỗ trợ hoặc chấp thuận bước tiến của phiến quân IS được coi là một trong những thành công lớn nhất kể từ khi chiến dịch tấn công IS bắt đầu, gây khó khăn hơn cho hoạt động của phiến quân ở cả hai bên biên giới.

3. Mỹ lên kế hoạch triển khai 2.300 lính đến Trung Đông

ngày 30/9, Lầu Năm Góc thông báo Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ có kế hoạch triển khai 2.300 quân đến Trung Đông nhằm phục vụ một đơn vị đặc nhiệm mới được thiết lập để phản ứng nhanh trước những cuộc khủng hoảng trong khu vực đầy bất ổn này.

Phát biểu trước báo giới, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho hay đơn vị trên sẽ bao gồm một số máy bay và sẵn sàng hành động trong những trường hợp khẩn cấp.

Theo ông Kirby, ý tưởng thành lập lực lượng trên có từ năm 2013, trước cả chiến dịch không kích hiện nay của Mỹ nhằm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria cũng như không liên quan đến “những chiến dịch đang diễn ra ở Iraq”.

4. Thổ Nhĩ Kỳ tham gia Liên minh chống IS

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỹ Tayyip Erdogan hôm 28/9 cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham gia vào các nỗ lực chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã liên tục tiến hành các đợt tấn công ở thị trấn Kobani ở Syria, giáp với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu tại hội nghị của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Istanbul, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham gia vào những nỗ lực chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Iraq và Syria. Tuy nhiên, ông Erdogan không cho biết mức độ tham gia cụ thể của nước này.

5. Anh lần đầu không kích IS

Giới chức Anh tuyên bố nước này đã thực hiện các vụ không kích đầu tiên nhằm vào nhóm cực đoan IS vào hôm 30/9 (giờ địa phương), đánh trúng 2 mục tiêu ở Tây Bắc Iraq.

Thông cáo của Bộ Quốc phòng Anh nêu: Các cuộc tấn công của Không quân Hoàng gia đã loại bỏ thành công một vị trí đặt vũ khí hạng nặng và một xe tải vũ trang gần đó.

Thông cáo cho hay các vụ không kích diễn ra “trong quá trình một cuộc trinh sát vũ trang” và nhằm để ủng hộ các chiến binh người Kurd đang bị các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng tấn công.

Bộ Ngoại giao Anh khẳng định, “Hành động này là một phần trong các chiến dịch của liên minh quốc tế ủng hộ nhà nước Iraq dân chủ”.

6. Mỹ - Ấn xây dựng liên minh chiến lược

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 29/9 đã tới Thủ đô Washington bắt đầu chuyến thăm Mỹ hai ngày.

Chuyến thăm được xem là cơ hội để Ấn Độ và Mỹ cùng xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược mới, nhằm nâng tầm quan hệ giữa hai nước.

Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết, các cuộc hội đàm và gặp gỡ đã bắt đầu từ tối 29/9 giữa Thủ tướng Modi với Tổng thống Obama, các nhà lãnh đạo Quốc hội và giới chức cấp cao Mỹ.

Theo đó, hai bên tập trung thảo luận nỗ lực chung nhằm mở rộng và làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Ấn, mối quan hệ từng được Tổng thống Obama mô tả là "góp phần định hình thế kỷ 21".

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ, hai bên cũng đã thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường hợp tác về an ninh và phối hợp hành động, nhằm mang lại những lợi ích lâu dài không chỉ cho hai nước mà cho cả thế giới. Các vấn đề nóng của khu vực, trong đó có những diễn biến mới nhất tại Afghanistan, Syria và Iraq, cũng được lãnh đạo hai nước đem ra trao đổi.

 

 

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước