Từng gặp vấn đề về tim, những tưởng đã có lúc cô gái nhỏ nhắn với nước da ngăm đen vì nắng gió của vùng quê nghèo Quảng Ngãi sẽ phải từ bỏ ước mơ cả đời là gắn bó với Marathon. Tuy nhiên, bằng nghị lực tuyệt vời và một ý chí, tinh thần vô cùng bền bỉ, Phạm Thị Bình đã không ít lần tạo nên những kỳ tích phi thường ở môn thể thao - vốn vô cùng khắc nghiệt này.
Năm 2010, chỉ 3 tuần sau ca phẫu thuật tim thành công, Phạm Thị Bình đã giành được 2 HCB ở Đại hội TDTT toàn quốc tại Đà Nẵng. Một năm sau, cô gái nhỏ bé người Quảng Ngãi lại giành tiếp 1HCB (10.000m) và 1 HCĐ (42.000) tại SEA Games 26, Indonesia. Còn ở kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á lần này, Phạm Thị Bình đã mang về cho TTVN tấm HCV Marathon sau quãng đường 42,195 km bỏng cháy với đôi chân không có giày. Cô gái 24 tuổi người Quảng Ngãi bước lên bục cao nhất trong ánh mắt ngưỡng vọng của tất cả bạn bè quốc tế.
‘ Việc Phạm Thị Bình thực hiện 42km đường chạy bỏng cháy dưới cái nắng Myanmar bằng đôi chân trần đã khiến bạn bè quốc tế phải thán phục
Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về những nỗ lực của cô gái nhỏ nhắn vừa giành được tấm huy chương kỳ tích này, phóng viên VTV Online đã có buổi nói chuyện với "chân trần" Phạm Thị Bình.
Chào Phạm Thị Bình, đầu tiên xin chúc mừng với thành tích mà bạn vừa giành được. Ở kỳ SEA Games lần này, công tác chuẩn bị của Bình được cho là gặp vấn đề khó khăn khi HLV hướng dẫn trực tiếp của bạn không thể sát cánh bên Bình tại Nay Pyi Taw, Myanmar. Bạn có thể chia sẻ đôi điều về vấn đề này không?
Trước kỳ SEA Games 27, tôi đã được 2 thầy huấn luyện quan tâm, hỗ trợ dìu dắt rất nhiều, rất kỹ càng. Tôi cũng đặt mục tiêu phải giành được tấm HCV tại nội dung Marathon. Thật buồn là trong quá trình sang thi đấu, tôi không có thầy huấn luyện đi cùng.
Trong lúc chuẩn bị thi đấu, tôi cũng được các ban giám đốc, lãnh đạo đoàn TTVN, tạo điều kiện gửi về đội cô Hồ Thị Từ Tâm (cự ly 800m-1500m). Trong quá trình thi đấu, cô cũng như BHL bộ môn Marathon đều cổ vũ và động viên tôi rất nhiều. Để có được chiếc HCV này, đó không chỉ là nỗ lực của riêng cá nhân tôi mà còn nhờ một phần công sức của tất cả mọi người, đã luôn bên cạnh và ủng hộ tôi.
Sức khỏe của bạn cũng là một vấn đề rất được mọi người quan tâm. Trước đây bạn từng phải phẫu thuật tim. Điều gì khiến bạn vẫn tiếp tục theo đuổi môn thể thao có ảnh hưởng lớn đến tim mạch này?
Có lẽ, đó là bởi niềm đam mê với đường chạy Marathon cuả tôi. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ từng nói với tôi rằng, nếu ca phẫu thuật thành công, tôi có thể tiếp tục theo đuổi Marathon. Trong quá trình tập luyện, tôi vẫn kiểm tra sức khoẻ đều đặn và các bác sĩ đều khẳng định rằng tôi đang có sức khoẻ tốt.
Quãng đường hơn 42.000m là một con số không tưởng với hầu hết mọi người. Thêm vào đó, bạn còn chinh phục cột mốc khó khăn ấy bằng đôi chân trần – điều mà trước đây ít ai dám làm. Bạn có thể chia sẻ đôi điều về lý do dẫn tới hành động này?
Trong suốt quá trình thi đấu, tôi đã để chân trần. Sở dĩ có điều này là vì gang bàn chân tôi khá mỏng vì thế thường khi đi giày vào chạy, chân tôi đều bị phồng rộp lên, rất đau đớn và không thể chạy được. Nếu mang giày khi bắt đầu xuất phát và cởi ra dọc đường, đôi lúc sự cố sẽ xảy ra ví dụ như việc cơ bị co rút, dẫn tới việc mình không thể tiếp tục thi đấu được. Vì thế, để tránh rủi ro xảy đến trong cuộc đua và cũng là tránh mất thời gian cho những thao tác thừa, tôi đã quyết định thực hiện cuộc đua Marathon với đôi chân trần.
Trong cuộc đua hôm nay, không chỉ riêng tôi mà VĐV chủ nhà cũng buộc phải di chuyển bằng chân trần do đường đi có khá nhiều đoạn lên dốc, xuống dốc và mồ hôi tiết ra có thể gây trơn trượt.
Sau khi xuất sắc mang về tấm HCV lịch sử cho Marathon Việt Nam, hiện nay chân bạn thế nào?
Chân tôi hơi phồng một chút ở phần chân phải, chỗ gần mắt cá. Nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành tốt ở nội dung 10.000m sắp tới.
HLV chắc hẳn đã từng nói với bạn về những tác dụng của việc mang một đôi giày thể thao chuyên nghiệp. Bạn đã từng nghĩ về điều này chưa?
Tất nhiên, tự bản thân tôi cũng ý thức được việc mang giày tập. Song thực tế, tôi đã nhiều lần thử mang giày chạy nhưng chân tôi đều bị phồng rộp lên chỉ sau khoảng 1 tuần tập luyện.
Vậy trong cuộc đua hôm nay, bạn đánh giá sao về các đối thủ?
Cuộc đua hôm nay rất cam go khi tôi phải cạnh tranh với những VĐV rất mạnh khác đến từ Myanmar, Đông Timor và Indonesia. Trong quá trình đua, đoàn đua gặp rất nhiều khó khăn do địa hình xấu, đường dố.c nhiều. Bên cạnh đó, các VĐV Myanmar cạnh tranh rất mạnh mẽ. Tôi nghĩ rằng sự bình tĩnh trong việc phân phối sức lực trên cả đoạn đường cũng như nỗ lực của bản thân đã giúp tôi giành chiến thắng trong buổi sáng ngày hôm nay (16/12 – PV).
Ở đoạn đường cuối khoảng 1km, tôi đã có thể bứt lên trên các VĐV Myanmar và cán đích đầu tiên.
Ngay trước giờ phút đăng quang, khi vạch đích đã hiển hiện ngay trước mắt, cảm xúc của bạn thế nào?
Khi chuẩn bị chạm vào vạch đích, tôi rất hạnh phúc và vui mừng vì nỗ lực của mình đã được đền đáp. Tôi đã từng mơ tới việc giành HCV và giờ điều đó đã trở thành sự thực.
Tôi đã nghĩ đến bố mẹ, gia đình tôi, các thầy cô của tôi cũng như BHL đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong quá trình tập luyện và thi đấu. Chiến thắng này sẽ không thể đến với tôi nếu thiếu vắng niềm tin, sự động viên của tất cả mọi người giành cho tôi.
Xin cảm ơn Phạm Thị Bình về cuộc trò chuyện này và chúc bạn sẽ thành công với nội dung 10.000m sắp tới!