Những trận đấu gay cấn, rực lửa với tính đối kháng vô cùng cao dường như là chìa khoá khiến môn thể thao này “đốn tim” được nhiều khán giả đến như vậy. Từ trẻ em, thanh niên, cho đến người già, tại Myanmar, không ai không yêu mến môn boxing.
‘ Ngay cả những em nhỏ cũng rất yêu mến bộ môn boxing này
Với người dân Myanmar, boxing mới chính là môn “thể thao vua” chứ không phải bóng đá. Có biên giới với Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc – những quốc gia có bề dày về võ học, do đó, Myanmar cũng du nhập được nhiều tinh hoa và có một di sản võ thuật phong phú với truyền thống đến cả ngàn năm.
‘ Khán đài không còn một chỗ trống
Người dân nơi đây đặc biệt ưa chuộng với bộ môn có tên Let Whay (hay Lethwei) - một loại boxing truyền thống, có nhiều nét tương đồng với Muay Thai. Cho tới những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, Myanmar dường như không có khái niệm gì đến quyền anh. Cho đến khi VĐV quá cố “Kyar” Ba Nyein (1923-1979), người từng tham dự Olympic 1952, áp dụng Leithwei vào boxing hiện đại, quyền anh mới dần được biết đến tại xứ “chùa vàng”. Từ đó, cùng với Lethwei, quyền anh hay boxing đã trở thành một môn thể thao vô cùng phổ biến ở Myanmar.
‘ Với người Myanmar, boxing mới chính là môn thể thao được nhiều người quan tâm nhất
Một người dân địa phương chia sẻ: “Ngoài Chinlone, boxing là một môn thể thao vô cùng được ưa chuộng tại Myanmar. Tôi nghĩ rằng chúng tôi hâm mộ nó còn hơn cả bóng đá bởi diễn biến nhanh và tính đối kháng rất cao của môn thể thao này. Người dân tới xem boxing rất đông để cổ vũ cho các VĐV, không chỉ riêng cho VĐV Myanmar đâu mà là toàn thể những đối thủ khác tham dự”.
‘ Bầu không khí cổ vũ vô cùng cuồng nhiệt trên khán đài
Không khí cổ vũ cuồng nhiệt, thậm chí, có phần “đau đầu” vì hỗn tạp đủ mọi loại âm thanh từ tiếng hò reo, tiếng kèn trống… dồn nén, "đặc quánh" trong một bầu không gian khép kín của sân thi đấu trong nhà Wunna Theikdi. Song, điều đó dường như lại chính là liều thuốc tinh thần vô cùng lớn giúp các tay đấm trở nên “máu lửa” hơn...