Những bất cập trong quá trình tổ chức, thi đấu, đặc biệt là vấn đề công tác trọng tài đã khiến SEA Games thực sự “mất điểm” trầm trọng trong mắt không chỉ báo chí Việt Nam mà còn của nhiều nước tham dự khác nữa như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… Và nhiều người đã không ngần ngại gọi ngày hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á này là sân chơi “ao làng”.
Tuy nhiên, trong mắt nhiều chuyên gia, quan điểm này không hoàn toàn đúng đắn. Ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam đã kịch liệt phải đối luận điệu trên.
Ông cho biết: “Tôi hoàn toàn không đồng ý với những ý kiến cho rằng SEA Games là ao làng. Thực tế, đây là một sân chơi thực sự rất tuyệt vời của thể thao khu vực Đông Nam Á. Nhiều người không ủng hộ SEA Games bởi họ cho rằng mỗi kỳ đại hội đều có thêm nhiều môn lạ lùng mà chẳng bao giờ được thi đấu tại Olympic. Thế nhưng, liệu có cần thiết rằng toàn bộ số môn tranh tài ở SEA Games đều phải cho Olympic?”
‘ Ông Hoàng Vĩnh Giang cho rằng thật không công bằng khi gọi SEA Games là "ao làng"
“Tại kỳ SEA Games 27 lần này nói riêng, trong tổng số 33 môn, có rất nhiều môn thi đấu tại Olympic và cũng có những môn thể thao độc đáo của nước chủ nhà - song tất cả đều phù hợp với điều lệ của liên đoàn thể thao Đông Nam Á (LĐTT ĐNA). Tôi cho rằng, điều lệ LĐTT ĐNA có thể giúp thể thao khu vực nói chung hay Việt Nam nói riêng có cơ hội phát triển được. Mỗi nước đều có những môn thể thao truyền thống, thế mạnh riêng – ví dụ như Chinlone của Myanmar. Nếu chúng ta gạt hết những môn thể thao không được thi đấu tại Olympic đi thì thực sự không công bằng bởi SEA Games còn là dịp để các nước thể hiện những nét văn hoá độc đáo riêng. Thể thao cho Olympic vẫn phải tập trung nhưng bên cạnh đó vẫn phải duy trì thể thao truyền thống, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam cho biết thêm.
Bên cạnh đó, ông Hoàng Vĩnh Giang cũng tỏ ra rất ấn tượng với công tác chuẩn bị của nước chủ nhà Myanmar về cơ sở hạ tầng cho SEA Games. Theo ông, Myanmar đã chuẩn bị với quy mô “quá tầm” cho sân chơi SEA Games. Song, khi được hỏi rằng, liệu sự chuẩn bị của Myanmar có sự liên hệ nào đến công tác chuẩn bị của Việt Nam cho ASIAD 2019 hay không, ông Hoàng Vĩnh Giang nói: “Tôi cho rằng cơ sở hạ tầng chưa hẳn là tiêu chí chuẩn xác nhất để đánh giá về sự thành công của công tác chuẩn bị cho một sự kiện thể thao lớn”.
“Tôi có thể khẳng định rằng Myanmar đã chuẩn bị quá tốt về cơ sở hạ tầng cho SEA Games, nơi đây có nhiều SVĐ hoàn toàn đủ khả năng để tổ chức những môn thi đấu Olympic. Nhưng Việt Nam sẽ tận dụng những hạ tầng cơ sở có sẵn để tiếp tục phát triển, tu bổ trong quá trình chuẩn bị cho Á Vận Hội 2019. Chủ tịch OCA (Hội đồng Olympic châu Á) đã khẳng định rằng Việt Nam không cần đầu tư quá nhiều vào vấn đề này mà tiền phải để cho những lợi ích khác của nhân dân. Ví dụ, bể bơi Mỹ Đình có thể không đẹp và hiện đại bằng bể bơi tổ chức các nội dung thi tại SEA Games lần này nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tu bổ lại để đáp ứng tiêu chuẩn Olympic. Và quan trọng nhất, theo tôi, việc tổ chức tốt không chỉ phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng mà còn là cách tiếp đón của nước chủ nhà nữa. Tất cả phải là một mối tổng hòa nếu chúng ta muốn hình ảnh đẹp về Việt Nam in đậm đối với bạn bè quốc tế", ông Hoàng Vĩnh Giang kết lại.