Hà Nội nằm trong top 3 thành phố có thị trường bán lẻ sôi động nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các thương hiệu bán lẻ lớn trên thế giới đã đánh giá tiềm năng Việt Nam ngang bằng với Hong Kong (Trung Quốc), Trung Quốc và Singapore trong quá trình đi tìm kiếm thị trường tiềm năng để mở rộng quy mô của mình. Thị trường bán lẻ Việt Nam càng trở nên hấp dẫn khi hàng loạt Hiệp định thương mại tự do đã và sắp có hiệu lực, đặc biệt với TPP. Cuộc chạy đua chiếm lĩnh thị phần giữa các nhà bán lẻ trong và ngoài nước trở nên ngày càng gay gắt hơn trước sự rộng mở của sân chơi hội nhập.
Trên một con phố trung tâm của Hà Nội, chưa đầy 1km, san sát những cửa hàng bán đồ Thái Lan, Nhật Bản, châu Âu. Mỗi ngày, cả trăm lượt khách đến đây chỉ để mua các mặt hàng thiết yếu - những thứ lâu nay Việt Nam đã tự sản xuất được.
Còn tại siêu thị của một tập đoàn nước ngoài, dù chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn nhưng thực phẩm Hàn Quốc luôn bán rất chạy.
Cơ cấu dân số trẻ cùng sức mua ngày càng được cải thiện khiến Việt Nam trở thành điểm đến tiềm năng của các nhà bán lẻ nước ngoài. Theo báo cáo của CBRE năm 2014, Hà Nội lọt vào top 3 thành phố có thị trường bán lẻ sôi động nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cho đến thời điểm này, dù chỉ có 90/700 điểm bán lẻ hiện đại trên cả nước nhưng doanh số của các nhà bán lẻ nước ngoài lại cao hơn tới 30% so với các nhà bán lẻ trong nước.
Có một khó khăn hiện nhiều nhà bán lẻ Việt Nam đang gặp khó là chi phí mặt bằng quá cao, chiếm từ 20 - 25% tổng doanh thu. Trong khi đó, theo tính toán, giá mặt bằng bán lẻ nếu chiếm đến 20% trở lên, tức là doanh nghiệp không có lãi. Theo đại diện Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, hiện Việt Nam có chính sách khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư nhưng chính sách khuyến thương chưa được chú trọng. Rõ ràng, Việt Nam cần tập trung xây dựng khoảng 20 nhà bán lẻ hàng đầu hoặc 10 doanh nghiệp có giá trị gia tăng cao, nếu không sẽ đuối sức trong cuộc chạy đua hội nhập.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.