Phân bón giả làm méo mó thị trường cạnh tranh

Hòa An-Thứ ba, ngày 27/08/2013 18:00 GMT+7

Mỗi năm, Bộ Công Thương phải xử lý trên 300 vụ vi phạm về chất lượng, giả nhãn hiệu liên quan đến mặt hàng phân bón. Tuy nhiên, con số này được cho là vẫn quá khiêm tốn so với các vụ vi phạm về chất lượng phân bón.

Chiếm tới 50% chi phí mỗi kỳ sản xuất của nhà nông, tình trạng phân bón giả đang khiến nông dân thất thu hàng tỷ đồng mỗi năm và làm méo mó thị trường cạnh tranh, ảnh hưởng uy tín của các doanh nghiệp sản xuất phân bón chân chính.

‘ Ảnh minh họa


Gia đình nhà chị Tạ Thị Dung, xã Đại Lào, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm đồng có 5ha cà phê, năm nào chị cũng trồng cà phê, làm cỏ và bón phân đúng theo quy trình chị được tập huấn ở trung tâm khuyến nông tỉnh Lâm Đồng.

Vậy mà năm nay dù đã làm đúng quy trình nhưng cà phê vẫn héo lá, thối cành và trái ra lưa thưa, tìm mãi nguyên nhân của việc cây hỏng chị mới phát hiện ra loại phân bón chị mua là hàng nhái phân bón Max one của công ty Mỹ Việt. Chị Dung chỉ là một trong vài chục hộ dân ở xã bị thiệt hại do mua nhầm phân bón.

Chị Dung cho biết: “Tôi bón phân xong một thời gian thấy lá úa vàng, cây khô héo, tôi nghĩ do mình làm cỏ sai khiến cây chết. Tuy nhiên không phải như vậy vì làm cỏ trước 20 ngày bón phân thì không ảnh hưởng gì tới cây trồng, mà chẳng qua tôi mua phải phân bón bị làm nhái”.

Bà Chu Thị Sự, xã Đại Lào chia sẻ thêm: “Vụ này cây hỏng, tôi phải đốn cành và bón phân khác để tái tạo lại vườn cà phê. Bây giờ rất nhiều loại phân bón ra đời chúng tôi cũng không biết mua như thế nào, vì vậy các công ty cần có tem nhãn để chúng tôi phân biệt hàng giả, hàng nhái để tránh thiệt hại cho bà con”.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiên cả nước có hơn 500 đơn vị sản xuất và khoảng 30.000 doanh nghiệp, đơn vị lớn nhỏ kinh doanh mặt hàng phân bón. Tuy nhiên, số lượng lại tỷ lệ nghịch với chất lượng. Thậm chí có những công ty "sớm nổi chiều lặn" .

Theo kết quả một cuộc khảo nghiệm do Cục Hóa chất, Bộ Công Thương thực hiện mới đây đã đưa ra bằng chứng cho thấy kết quả đáng báo động: có đến gần 50% số mẫu phân bón không đạt hàm lượng hữu cơ hoặc hàm lượng đạm tổng số, trên 40% mẫu vi phạm cả ba yếu tố NPK. Đặc biệt là sự xuất hiện của các loại phân bón nhái, giả, kém chất lượng làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất và niềm tin của người nông dân.

Ông Trần Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phân bón Mỹ Việt cho biết: “Hiện nay, khi thấy công ty nào bán hàng tốt, phân bón chất lượng, lập tức các công ty khác làm nhái, ăn theo. Bà con nên thận trọng khi mua phân bón, cách tốt nhất để tránh hàng giả, bà con cần tới đại lý chính hãng để mua”.

Sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng đã lên đến mức báo động. Ở hầu hết các địa phương đều phát hiện phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Đặc biệt, nhiều sản phẩm phân bón thiếu đến 80% hàm lượng chất dinh dưỡng. Điều này rất cần cơ quan quản lý chức năng tìm lời giải để bảo vệ quyền lợi cho bà con nông dân.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước