Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp chính thức Tổng thống Mỹ Barack Obama, bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 25 và các hội nghị liên quan. (Ảnh: TTXVN)
1. Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN
Trong hai ngày 15 - 16/2, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN đã được diễn ra tại Sunnylands, California. Đây là lần đầu tiên Hội nghị Thượng đỉnh giữa hai bên được tổ chức tại Mỹ. Hội nghị Thượng đỉnh lần này một lần nữa thể hiện sự coi trọng của chính quyền của Tổng thống Obama đối với quan hệ ASEAN, coi ASEAN là một trụ cột quan trọng trong chiến lược tái cân bằng hướng tới châu Á - Thái Bình Dương.
Việc đứng ra làm chủ nhà cho một Hội nghị Thượng đỉnh với ASEAN là sự khẳng định mạnh mẽ cam kết trở lại khu vực của Mỹ. Ở chiều ngược lại, ASEAN với tư cách là một khu vực phát triển năng động, giữ vai trò trung tâm trong nhiều vấn đề chung của khu vực, ngày càng có giá trị chiến lược đối với Mỹ.
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- ASEAN diễn ra chỉ vài tháng sau khi Mỹ và ASEAN tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Bên cạnh đó, một định hướng hợp tác giữa ASEAN và Hoa Kỳ đã được thống nhất tại Sunnylands, California, Mỹ sau hội nghị cấp cao đặc biệt giữa hai bên kết thúc vào hôm 17/2 với tuyên bố chung Sunnylands. Những điểm thu hút sự quan tâm lớn trong tuyên bố chung lần này là cam kết duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực; ủng hộ việc xây dựng trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật lệ; kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; không quân sự hóa đi cùng với việc bảo đảm an ninh, an toàn trên biển.
An ninh và an toàn hàng hải tại khu vực Biển Đông hiện đang là mối quan tâm cao của cả Mỹ và ASEAN, nhất là khi tình hình khu vực này đang tiếp tục nóng lên với những hành động như quân sự hóa các bãi đá, đảo đá trên Biển Đông.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, Hội nghị đã nhấn mạnh tới sự cần thiết phải làm giảm căng thẳng trong vấn đề Biển Đông.
Những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khẳng định một nguyên tắc cả Mỹ và ASEAN thống nhất, đó là đề cao luật pháp quốc tế trong việc giải quyết những tranh chấp trên biển, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. Trong 17 điểm của tuyên bố chung, có ít nhất 3 điểm nhấn mạnh nguyên tắc này.
Bên cạnh những tuyên bố liên quan đến tình hình an ninh khu vực, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ còn ghi dấu ở sáng kiến kết nối kinh tế Mỹ - ASEAN.
Theo sáng kiến kết nối kinh tế Mỹ - ASEAN, 3 văn phòng kinh tế sẽ được thành lập ở Jakarta, Bangkok và Singapore nhằm điều phối tốt hơn cũng như tăng cường liên kết kinh tế giữa các doanh nghiệp và nhà đầu tư của hai phía. Sáng kiến này còn bao gồm việc tư vấn kỹ thuật liên quan đến quá trình tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với những quốc gia như Indonesia hay Philippines.
Hiện ASEAN đang là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Mỹ. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Mỹ và ASEAN đã tăng gấp 3 lần kể từ thập niên 1990, đạt 254 tỷ USD vào năm 2014.
2. Nước Anh được hưởng quy chế đặc biệt trong EU
Đêm 19/2, lãnh đạo 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận sửa đổi một số hiệp định theo đề xuất của nước Anh.
Các sửa đổi đáp ứng một số yêu cầu của Anh và nước này sẽ được hưởng một vài quy chế đặc biệt hơn so với các nước châu Âu khác. Đây là điều kiện Thủ tướng Anh đặt ra để có thể thuyết phục cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ việc nước Anh tiếp tục là thành viên của Liên minh châu Âu.
Các điểm chính của thoả thuận bao gồm việc sửa đổi một số Hiệp ước. Theo đó, nước Anh không nhất thiết phải đi theo tiến trình hội nhập về chính trị và xác định sự bình đẳng giữa các nền kinh tế dùng đồng Euro cũng như các nền kinh tế dùng tiền riêng. Nước Anh có quyền giám sát các hoạt động tài chính và ngân hàng của khối Eurozone, nhưng không có quyền bác bỏ các quyết định của Eurozone. Nước Anh cũng có quyền cắt trợ cấp của người lao động nhập cư trong 4 năm đầu tiên tới Anh.
Trong cuộc họp báo cuối của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels, Bỉ, lãnh đạo Liên minh châu Âu đánh giá rằng, bản thoả thuận vừa đáp ứng được những gì nước Anh mong đợi, mà vẫn không làm thay đổi các tinh thần cơ bản của ngôi nhà chung châu Âu.
Trên cơ sở bản thoả thuận ưu đãi vừa giành được, Thủ tướng Anh David Cameron sẽ hỏi ý kiến người dân Anh xem có nên ly khai khỏi Liên minh châu Âu hay không. Nhiều khả năng cuộc trưng cầu dân ý tại Anh sẽ diễn ra vào cuối tháng 6.
3. Đánh bom tại thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ, gần 90 người thương vong
Một loạt vụ tấn công nghiêm trọng nhằm vào các mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra liên tiếp trong ngày 19/2; trong đó, nghiêm trọng nhất là vụ đánh bom kinh hoàng tại thủ đô Ankara khiến ít nhất 28 người thiệt mạng và 61 người bị thương, 26/28 người thiệt mạng là quân nhân.
Không đầy 24 giờ sau, tại miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ lại xảy ra một vụ nổ khác cũng nhằm vào một đoàn xe quân sự. Ít nhất 7 người đã thiệt mạng, tất cả đều là quân nhân.
Vụ nổ thứ 3 xảy ra nhằm vào Trung tâm Văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ ở ngoại ô thủ đô Stockholm (Thụy Điển). Vụ nổ không gây thiệt hại về người nhưng tòa nhà bị phá hủy nghiêm trọng.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglu đã hoãn chuyến thăm Bỉ tham dự cuộc gặp nhóm 12 nước bàn về khủng hoảng người tị nạn tại châu Âu. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng hoãn chuyến thăm Azerbaijan để giải quyết tình hình trong nước.
Sau đó, nhóm phiến quân người Kurd đã thừa nhận tiến hành vụ đánh bom liều chết trên. Trong tuyên bố của mình, nhóm Những con chim ưng Tự do người Kurd (TAK) khẳng định, vụ đánh bom liều chết là nhằm đáp trả các chính sách của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và chúng sẽ tiếp tục các vụ đánh bom tương tự. Nhóm này còn tuyên bố kẻ tiến hành vụ đánh bom liều chết là một thanh niên 26 tuổi người Thổ Nhĩ Kỳ.
Thông tin trên có phần mâu thuẫn với tuyên bố được Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra trước đó. Theo đó, thủ phạm vụ đánh bom tại Ankara được xác định là một công dân Syria.
Đảng Công nhân người Kurd và nhóm Những con chim ưng Tự do người Kurd là hai tổ chức đã bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.
4. Liên minh cầm quyền ở Ukraine tan rã
Một cuộc khủng hoảng chính trị đang xảy ra ở Ukraine. Ngày 18/2, lại có thêm một Đảng nữa rút khỏi liên minh cầm quyền do Đảng của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko lãnh đạo. Như vậy, liên minh cầm quyền ở Ukraine đã mất thế đa số tại Quốc hội và chấm dứt sự tồn tại.
Lãnh đạo Đảng Tự lực , ông Oleh Berezyuk tuyên bố tất cả 26 đại diện của Đảng trong liên minh cầm quyền đã từ bỏ chức vụ trong Chính phủ cũng như trong Quốc hội. Giải thích cho quyết định này, ông Berezyuk cáo buộc giới lãnh đạo và giới tài phiệt đang thao túng quyền điều hành đất nước.
Trước đó vào ngày 17/2, sau khi các nghị sĩ thất bại trong việc bỏ phiếu bãi nhiệm Chính phủ của Thủ tướng Yatsenyuk, phái Batkivshina của cựu Thủ tướng Yulia Timoshenko đã rút khỏi liên minh cầm quyền. Với các động thái này, liên minh giữa Đảng của Thủ tướng Yatsenyuk và phái của Tổng thống Poroshenko chỉ còn 217 ghế, ít hơn mức 226 ghế cần thiết để duy trì đa số. Theo luật pháp Ukraine, Quốc hội có thời gian 1 tháng để thành lập liên minh cầm quyền mới. Nếu không, một cuộc tổng tuyển cử mới sẽ được tổ chức.
5. Tổng thống Mỹ sẽ thăm Cuba vào tháng Ba
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 18/2 đã chính thức xác nhận thông tin về chuyến thăm lịch sử tới Cuba vào ngày 21-22/3 tới.
Chuyến thăm này hứa hẹn sẽ là một dấu hiệu mạnh mẽ thể hiện mối quan hệ nồng ấm hơn giữa hai cựu thù thời Chiến tranh Lạnh.
Trong thông điệp đăng tải trên tài khoản mạng xã hội Twitter, Tổng thống Obama nêu rõ ông sẽ tới thăm Cuba vào tháng sau. Ông Obama cũng thừa nhận vẫn còn những khác biệt giữa hai Chính phủ và nhân chuyến thăm này, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ thẳng thắn đề cập tới các vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Cuba.
Trước đó, các phương tiện truyền thông tại Mỹ tối 17/2 đã đưa tin Tổng thống Obama và phu nhân sẽ thăm Cuba vào tháng Ba tới, một phần trong khuôn khổ chuyến công du Mỹ Latinh.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.