Syria đang có những ngày bình yên mong manh với một lệnh ngừng bắn kéo dài từ 12 - 18/9. Tiếng súng cơ bản đã chấm dứt ở cả những vùng chiến sự khốc liệt nhất, bị tàn phá nặng nề nhất quốc gia này. Đây là kết quả của sự thỏa hiệp, dàn xếp giữa hai nước lớn Nga và Mỹ. Theo đó, hai quốc gia sẽ ngừng các cuộc không kích, đồng thời kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn, mở đường cho viện trợ nhân đạo đến được thành phố Aleppo. Mỹ sẽ hỗ trợ Nga tấn công IS và nhóm Jabhat Al-Fateh.
Cập nhật thông tin mới nhất từ Syria, chuyên gia phân tích chính trị Bassam Raja cho biết: "Qatar không thế mạnh gì trên mặt bộ binh và vai trò của nước này đang trở lên yếu thế hơn ở Syria. Trong khi đó, Arab Saudi – quốc gia hoan nghênh lệnh ngừng bắn – vẫn hỗ trợ cho các nhóm vũ trang bị chính quyền Syria coi là khủng bố, họ biết rằng kế hoạch này chỉ đi đến thất bại".
"Thổ Nhĩ Kỳ cũng tương tự. Song có thể nhận ra Thổ Nhĩ Kỳ đã có sự chuyển hướng thay đổi quan điểm sau vụ đảo chính vừa qua và đang tăng cường quan hệ với Syria. Sự hiện diện của Iran và Nga cũng tác động tới Thổ Nhĩ Kỳ khiến quốc gia này giảm hỗ trợ vũ khí cho các nhóm đối lập ở Syria. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm vũ trang người Kurd từ lâu vẫn ở trong thế đối đầu…. Tất cả những yếu tố này sẽ làm thay đổi nền chính trị trong khu vực và đã bắt đầu xuất hiện trên thực địa".
Đánh giá về bản thỏa thuận giữa Nga và Mỹ về vấn đề Syria, TS. Đỗ Sơn Hải - Trưởng khoa Chính trị quốc tế, Học viện Ngoại giao phân tích: "Về mặt lý thuyết, khi hai nước lớn bắt tay với nhau thường là do nguy cơ họ phải đối phó quá lớn hoặc gấp gáp. Thứ hai là cái giá phải trả cho thỏa hiệp cả hai bên chịu đựng được".
"Đây không phải là lần đầu tiên đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại chiến trường Syria nhưng hầu hết các thỏa thuận này đều mau chóng bị các bên vi phạm. Có người nói, thỏa thuận mới lần này dường như chỉ dành cho 2 lực lượng chính trên chiến trường Syria: Một là lực lượng của chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, hai là lực lượng ôn hòa. Tuy nhiên, ngoài ra, chiến trường Syria còn ít nhất 2 lực lượng nữa. Đó là các nhóm khủng bố và các lực lượng nổi dậy không ôn hòa, chưa kể những đối tác bên ngoài như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran… Tất những lực lượng này khiến cho thỏa thuận ngừng bắn rất khó thực hiện".
"Riêng trong vấn đề Syria, hợp tác Nga – Mỹ đương nhiên vẫn sẽ phải tiếp tục, kể cả Nhà Trắng có đổi chủ. Vì trên thực tế, nhằm giải quyết vấn đề Syria, Nga thiếu Mỹ hay ngược lại thì cũng khó để hai bên đạt được lợi ích, nên việc hợp tác giữa hai bên vẫn sẽ tiếp tục và thậm chí có thể kéo dài. Giải quyết vấn đề Syria không thể một sớm một chiều" - TS. Đỗ Sơn Hải nói.
Chưa thể biết chính xác các mặt trận ác liệt tại Syria sẽ ra sao sau những ngày im tiếng súng, nhưng có thể chắc chắn rằng đang có nhiều tín hiệu tích cực hé lộ trong vấn đề này. Một khoảng lặng trên chiến trường có thể mang tới cơ hội để giải pháp quân sự kết hợp với ngoại giao. Để kết thúc cuộc chiến tại Syria, nhiều vấn đề sẽ còn phải giải quyết.
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình Toàn cảnh thế giới qua video trên đây