Một sự kiện chính quan trọng được cả thế giới theo dõi trong hôm nay (26/10) là cuộc bầu cử quốc hội tại Ukraine. Đây được đánh giá là sự kiện sẽ tác động tới tình hình an ninh chính trị vốn đã rất phức tạp ở một điểm nóng của thế giới.
Sự kiện này là một trong hai chủ đề chính trong chương trình Toàn cảnh thế giới tuần này với vị khách mời là ông Hoàng Anh Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao - Bộ Ngoại giao.
Bầu cử Quốc hội Ukraine: Giải pháp cho mâu thuẫn Đông - Tây?
Bên cạnh sự kiện Tân Tổng thống Indonesia nhậm chức, những diễn biến cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn đang diễn ra tại điểm nóng Ukraine cũng là đề tài thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới trong suốt tuần qua.
Diễn ra vào thời điểm UKraine vẫn đang trong tình trạng khủng hoảng tồi tệ nhất, cuộc bầu cử này vừa là hy vọng mở đường cho một sự ổn định cho Ucraina, nhưng rõ ràng, cuộc bầu cử này lại đang bị người dân ít tin trưởng trước tình trạng khủng hoảng liên miên đã kéo dài quá lâu không lối thoát tại đất nước này.
“Có thể thấy, cuộc bầu cử tại Ukraine không chỉ quan trọng đối với bản thân quốc gia này mà còn quan trọng với cả Nga, châu Âu và Mỹ. Do vậy, tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới đều có sự quan tâm đối với cuộc bầu cử này" - ông Hoàng Anh Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao đánh giá về cuộc bầu cử tại Ukraine - "Chiều hướng chính trị cuộc bầu cử này thể sự khó đoán giống như sự chia rẽ chính trong xã hội Ukraine hiện nay. Tuy nhiên, rõ ràng Ukraine đang trong chiều hướng chia rẽ có nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau".
Theo đó, ông Hoàng Anh Tuấn cũng đưa ra hai khuynh hướng chính đang diễn ra trong nền chính trị của Ukraine hiện nay. Một là khuynh hướng cải cách kinh tế, bởi đây là điều cơ bản sẽ đưa Ukraine thoát ra khỏi khủng hoảng. Hai là, khuynh hướng thay đổi trong quan hệ với cả châu Âu lẫn Nga.
"Qua các chính sách đối ngoại của Ukraine trong thời gian có thể thấy, nếu chỉ hướng về châu Âu cũng sẽ thất bài và nếu chỉ hướng về Nga cũng tạo ra sự chia rẽ. Do vậy, Ukraine cần có sự cân bằng giữa những xu hướng chính trị này. Theo đó, có hai khuynh hướng chủ yếu sau cuộc bầu cử tại Ukraine", ông Hoàng Anh Tuấn nói.
Trong 1 thập kỷ qua, kể từ sau cuộc cách mạng Cam, chính trường Ukraine luôn bị giằng xé bởi hai xu thế thân Nga và thân phương tây, do vậy cuộc bầu cử quốc hội lần này lại mang một sự khác biệt to lớn. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử Ukraine thời hậu Xô-viết, các đảng phái thân phương Tây đang hoàn toàn chiếm ưu thế.
Với một chính quyền và Quốc hội gồm phần lớn các lực lượng có một điểm chung là xích lại gần Tây âu, nhiều khả năng giờ đây vấn đề nghiêng về Đông hay Tây có lẽ không còn bị giằng co như trước, nhưng rõ ràng là để đưa Ukraine thoát khỏi khủng hoảng, giải quyết vấn đề ly khai ở miền Đông đồng thời bảo đảm ổn định kinh tế, sự tính toán cân bằng quan hệ với phương Tây và nước Nga - nước láng giềng khổng lồ phía Đông vẫn sẽ là bài toán mấu chốt, một bài toán mà 10 năm qua các chính quyền của Ukraine đã không giải được. Cho đến hiện tại, chính quyền Kiev vẫn tiếp tục phải đối diện trong bối cảnh đầy khó khăn này.
Để biết thêm thông tin về những vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi video dưới đây: