Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ: Hòa bình ổn định là điều kiện tiên quyết

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 27/09/2015 13:50 GMT+7

Tiến sĩ Đỗ Sơn Hải bàn về mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong chương trình Toàn cảnh thế giới.

VTV.vn - Đó là phân tích của Tiến sĩ Đỗ Sơn Hải - Trưởng khoa Chính trị quốc tế của Học viện Ngoại giao - khi đề cập về mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Những ngày qua, cả thế giới đều hướng về thành phố New York (Mỹ), nơi đang diễn ra Khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 70. Sự kiện được thực hiện đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hợp quốc. Đó là một chặng đường dài của tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh với những thành tựu to lớn, góp phần hình thành nên thế giới ngày nay.

Trong khuôn khổ khóa họp của Đại hội đồng, Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc đã khai mạc với sự tham dự của 193 quốc gia thành viên, nhằm thông qua chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong 15 năm tới.

Tiến sĩ Đỗ Sơn Hải – Trưởng khoa Chính trị quốc tế của Học viện Ngoại giao – nhận định: “Năm nay sẽ là năm kết thúc những mục tiêu đưa ra trong Hội nghị cấp cao năm 2000 của Liên hợp quốc. Nhưng theo tôi, ở Hội nghị năm nay, 17 mục tiêu đưa ra đều thể hiện tham vọng rất lớn, thể hiện sự quyết tâm của cộng đồng quốc tế. Nhưng nếu nhìn vào những mục tiêu và thực tế ở nhiều quốc gia hiện nay, chúng ta có thể sẽ thấy lo lắng bởi trong 15 năm tới, chúng ta không biết được bất ngờ nào sẽ tiếp tục xảy ra”.

Đặc biệt, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị - đã có bài phát biểu rất cụ thể. Trong đó, ông nhấn mạnh đến mục tiêu hòa bình ổn định là điều kiện quan trọng cho sự phát triển bền vững trên thế giới.

Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước tại Hội nghị Thượng đỉnh LHQ Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước tại Hội nghị Thượng đỉnh LHQ

VTV.vn - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu trong ngày đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Tiến sĩ Đỗ Sơn Hải cho rằng: “Liên hợp quốc đã đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm các mục tiêu thiên niên kỷ được đặt ra vào năm 2000. Vì thế, phái đoàn Việt Nam có sự tự tin trong bài phát biểu của mình. Một phần nội dung phát biểu được thể hiện dưới góc độ chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam. Quan trọng là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh đến điều kiện chủ quan cho sự phát triển bền vững. Qua đó, chúng ta thấy rằng, mỗi quốc gia cần có môi trường phát triển ổn định để hướng tới sự phát triển bền vững chung. Chúng ta không thể chỉ đổ lỗi cho điều kiện khách quan như biến đổi khí hậu, thiên tai... Vì thế, quan điểm Việt Nam đưa ra rất phù hợp với tình hình biến chuyển hiện tại trong khu vực cũng như trên thế giới. Hòa bình ổn định mới là điều kiện tiên quyết để thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững".

Tiến sĩ Đỗ Sơn Hải – Trưởng khoa Chính trị quốc tế của Học viện Ngoại giao

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, không phải bất kỳ quốc gia nào cũng đạt được điều kiện chủ quan này. Mâu thuẫn, xung đột vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt trên thế giới. Vấn đề ở các điểm "nóng" như Iraq, Syria cho thấy, vai trò giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc vẫn chưa được phát huy một cách hiệu quả. Thậm chí, mâu thuẫn lợi ích cũng kéo theo sự rạn nứt trong quan hệ giữa các nước lớn. Bất ổn chính trị đồng thời kéo theo sự trỗi dậy của các tổ chức khủng bố cực đoan như Al-Quaeda, IS.

"Như lời phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, có thể thấy, thế giới muốn có hòa bình thì phải có sự phát triển, nhưng sự phát triển phải được diễn ra trong môi trường hòa bình. Trên thế giới, các quốc gia vẫn luôn thực hiện song song hai nhiệm vụ này. Bản thân Liên hợp quốc cũng luôn góp phần vào sự phát triển và duy trì nền hòa bình thế giới. Các chương trình phát triển được đặt ra rất nhiều nhưng hiệu quả lớn chưa đạt được, đó là sự thịnh vượng chung trên khắp toàn cầu. Việc phân bổ của cải cũng như kinh tế phát triển không đồng đều trên thế giới làm nảy sinh ra những nguồn lực là nguy cơ cho sự bất ổn." - Tiến sĩ Đỗ Sơn Hải bày tỏ quan điểm.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ cho rằng: "Số lượng thành viên của Liên hợp quốc khá lớn gồm 193 thành viên, trong đó có nhiều công dân của các quốc gia. Từ đó, sự khác biệt của từng công dân và sự khác biệt về lợi ích của từng quốc gia cũng khiến bản thân Liên hợp quốc chịu sự giằng xé. Do đó, nhiều yêu cầu đã nảy sinh đòi hỏi phải có sự thay đổi ở Hội đồng bảo an của Liên hợp quốc".

Đề xuất mở rộng thành phần Hội đồng Bảo an LHQ Đề xuất mở rộng thành phần Hội đồng Bảo an LHQ

VTV.vn - Ngày 26/9, bên lề phiên họp Đại hội đồng LHQ, nguyên thủ Ấn Độ, Nhật Bản, Đức và Brazil khẳng định sự cần thiết cải tổ, mở rộng thành phần Hội đồng Bảo an LHQ.

Mặc dù vậy, Liên hợp quốc vẫn được coi là ngôi nhà chung của gần 200 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Đây vẫn là tổ chức đa phương đầu tiên lớn nhất, đồng thời có ảnh hưởng nhất đến đời sống quốc tế. Trong suốt 70 năm qua, Liên hợp quốc đã luôn nỗ lực trong việc duy trì hòa bình và đảm bảo an ninh thế giới, thúc đẩy đời sống quốc tế trên mọi lĩnh vực.

Sau những cuộc cạnh tranh khốc liệt, những xung đột, Liên hợp quốc vẫn là nơi để các quốc gia gặp gỡ, đối thoại và thúc đẩy hòa bình đa phương. Do đó, cộng đồng quốc tế vẫn luôn dành nhiều kỳ vọng cho mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Chính kỳ vọng to lớn ấy cũng là sẽ là thách thức cho Liên hợp quốc trong 15 năm tới.

Để lắng nghe toàn bộ nhận định và đánh giá của Tiến sĩ Đỗ Sơn Hải về mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, mời quý vị theo dõi qua video dưới đây:

 

 

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước