“Tái vũ trang phát triển, xung đột leo thang có thể gây ra các cuộc chiến tranh nhỏ”

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 19/06/2016 12:22 GMT+7

VTV.vn - Đó là nhận định của Đại tá Lê Thế Mẫu - nhà bình luận quốc tế của Viện Chiến lược quốc phòng, thuộc Bộ Quốc phòng khi phân tích về xu hướng tái vũ trang ở các quốc gia.

Trong vòng 5 năm nay, thế giới được cho là đang sống trong thời bình, không còn chứng kiến những cuộc chiến tranh ở khu vực và thế giới. Nhưng các khoản ngân sách dành cho quốc phòng lại gia tăng. Các quốc gia đua nhau bổ sung vào kho vũ khí của mình những trang thiết bị quân sự tối tân, hiện đại, trong đó có cả những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Gần 1.700 tỷ USD là con số mà các quốc gia chi cho ngân sách quốc phòng trong năm 2015, phá vỡ những kỷ lục trước đó. Một cuộc chạy đua vũ trang đang âm thầm diễn ra nhưng cũng vô cùng gay gắt giữa các quốc gia. Vì thế, tái vũ trang trở thành xu hướng trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, xu hướng đó lại được đánh giá là thước đo phản ánh tình hình an ninh, chính trị thế giới. Mặc dù nền kinh tế toàn cầu chưa phục hồi nhưng nhiều quốc gia vẫn chi đậm cho ngân sách quốc phòng. Thậm chí, trong một cuộc điều trần trước Thượng viện Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Liên quân Mỹ đã phải thừa nhận rằng, thế giới đang trong tình trạng nguy hiểm. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc gia tăng tiềm lực quân sự ở các quốc gia tỷ lệ nghịch với an ninh, hòa bình thế giới.

Đại tá Lê Thế Mẫu - nhà bình luận quốc tế của Viện Chiến lược quốc phòng, thuộc Bộ Quốc phòng - nhận định: “Tôi hoàn toàn ghi nhận những ý kiến này. Điều ấy cũng đã được thể hiện qua tuyên bố, phát biểu của nhiều lãnh đạo tại diễn đàn Đại Hội đồng Liên hiệp quốc năm 2015. Tại đây, họ đã khẳng định Hiến chương của Liên hiệp quốc đang bị vi phạm một cách nghiêm trọng, nhiều quốc gia đơn phương can thiệp vào chủ quyền quốc gia khác dưới nhiều lý do khác nhau".


Đại tá Lê Thế Mẫu - nhà bình luận quốc tế của Viện Chiến lược quốc phòng, thuộc Bộ Quốc phòng

Đại tá Lê Thế Mẫu - nhà bình luận quốc tế của Viện Chiến lược quốc phòng, thuộc Bộ Quốc phòng

"Đứng trước nguy cơ đó, các quốc gia bị xâm hại về mặt chủ quyền buộc phải tăng cường quốc phòng, thậm chí có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang không bao giờ ngừng nghỉ, dù chiến tranh lạnh đã kết thúc. Từ đó, thế giới ngày càng trở nên bất ổn. Khi những mặt tiêu cực trở nên lấn át, xu hướng tái vũ trang phát triển, xung đột leo thang có thể dẫn đến các cuộc chiến tranh nhỏ", Đại tá Lê Thế Mẫu cho biết.

Cũng theo Đại tá Lê Thế Mẫu, có 3 nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự gia tăng của xu hướng tái vũ trang trên thế giới: "Thứ nhất, xu hướng này xuất phát từ cuộc khủng hoảng hệ thống bùng phát, bắt nguồn ở Mỹ vào năm 2008. Thứ hai, sau chiến tranh lạnh, thế giới xảy ra những xung đột về chính trị, trong đó có tranh chấp lãnh thổ. Hơn nữa, xung đột về lãnh thổ còn mạnh mẽ hơn xung đột về hệ ý thức chính trị ở thời kỳ chiến tranh lạnh. Thứ ba, xu hướng xảy ra là ảnh hưởng của kết quả cuộc cách mạng công nghệ, dẫn đến cách mạng quân sự. Hàng loạt vũ khí được đổi mới với công nghệ cao".

Để lắng nghe cụ thể hơn những phân tích của Đại tá Lê Thế Mẫu về xu hướng tái vũ trang trên thế giới, mời quý vị theo dõi qua video dưới đây:

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước