Triều Tiên lại tiếp tục thử tên lửa đạn đạo
Quân đội Hàn Quốc và Nhật Bản sáng nay thông báo, Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn về phía vùng biển phía Đông nước này. Theo thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, hai tên lửa này được Triều Tiên phóng đi từ tàu ngầm, bay xa 350 km và đạt độ cao tối đa 100 km. Như vậy, có tới 7 vụ phóng tên lửa trong vòng 12 ngày từ phía Triều Tiên để đáp trả những cuộc tập trận có sự tham gia của máy bay ném bom, tàu ngầm, tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tất cả những diễn biến này đã khiến tình hình an ninh ở khu vực Đông Bắc Á tăng nhiệt lên mức báo động.
Những hành động răn đe quân sự ở bán đảo Triều Tiên không hề mới, nhưng khi chúng được tiến hành với tần suất nhiều và với mức độ quyết liệt như hiện nay thì báo hiệu một bầu không khí nguy hiểm.
Triều Tiên thử tên lửa và các hành động đáp trả
Sáng 4/10 lần đầu tiên kể từ năm 2017, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Tên lửa bay được quãng đường khoảng 4.500 km, ở độ cao tối đa khoảng 970 km với tốc độ tối đa siêu thanh Mach 17.
Ngày 6/10, Triều Tiên tiếp tục phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển phía Đông.
Ngày 9/10 là vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm.
Trong một tuyên bố được Bộ Ngoại giao đưa ra, Triều Tiên cho biết các vụ thử tên lửa liên tiếp của nước này là nhằm đáp trả các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn đang diễn ra. Bình Nhưỡng cho rằng chính các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn với sự phô trương khí tài hiện đại bậc nhất mới đang làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
Năm nay là năm Triều Tiên tiến hành các vụ thử tên lửa cao ở mức kỷ lục, với 22 vụ. Các tên lửa được phóng lên ở các cự ly tầm ngắn, tầm trung và tầm xa.
Trước ngày 4 và 6/10 thì từ 25/9, tiếp theo là 28/9, 29/9 và 1/10, Triều Tiên cũng liên tục phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển phía đông Bán đảo Triều Tiên.
Liên minh Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản tập trận
Để đáp trả vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, ngày 5/10 liên quân Mỹ - Hàn đã phóng 4 tên lửa đất đối đất ra vùng biển phía Đông trong khuôn khổ một cuộc tập trận chung.
Hàn Quốc và Mỹ từ ngày 26/9 đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân kết hợp đầu tiên kéo dài trong 4 ngày, với sự tham gia của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ do tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan dẫn đầu. Ngày 29-30/9, Quân đội Nhật Bản - Mỹ - Hàn Quốc tiến hành tập trận chung chống tàu ngầm, lần đầu tiên sau hơn 5 năm.
Từ ngày 6-8/10, cuộc tập trận giữa quân đội Nhật - Mỹ - Hàn và quân đội Mỹ - Hàn tiếp tục diễn ra.
Trong vài tháng qua, cả Tổng thống Mỹ và Phó Tổng thống Mỹ đều có chuyến đi tới thăm Hàn Quốc và Nhật Bản.
Phản ứng của Nhật Bản và Hàn Quốc
Về cơ bản, cách thức chính quyền Thủ tướng Kishida phản ứng lần này tương tự như thời điểm Triều Tiên thực hiện các vụ phóng tên lửa qua không phận Nhật Bản vào năm 2017, theo đó, Nhật Bản đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ và kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án hành động leo thang căng thẳng của Triều Tiên, kích hoạt hệ thống cảnh báo bằng loa phát thanh và tin nhắn điện thoại nhưng chưa kích hoạt các biện pháp đánh chặn tên lửa. Tuy nhiên, điểm khác là Nhật Bản có xu hướng tăng cường hợp tác mạnh mẽ hơn với Mỹ và Hàn Quốc để nâng cao khả năng phối hợp và răn đe đối với Bình Nhưỡng, bao gồm tổ chức các cuộc điện đàm cấp cao và tổ chức nhiều cuộc tập trận quy mô lớn cả trên biển trên bộ và trên không.
Tương tự như Mỹ và Hàn Quốc, giới chức Nhật Bản không loại trừ khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân vào thời gian tới và khẳng định sẽ theo dõi sát từng động thái tiếp theo của Bình Nhưỡng. Trong bối cảnh tình hình an ninh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là xung đột quân sự Nga - Ukraine, nếu Triều Tiên thử hạt nhân, có thể sẽ khiến cho tình hình an ninh khu vực Đông Bắc Á trở nên nóng hơn so với cách đây 5 năm. Khi đó, nhiều khả năng lựa chọn của Nhật Bản là tăng cường phối hợp an ninh với Mỹ và Hàn Quốc, hối thúc Trung Quốc phải đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân, tên lửa Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Liên Hợp Quốc cần phải có những trừng phạt bổ sung đối với quốc gia này.
Song song với đó, Chính quyền Thủ tướng Kishida sẽ có lý do hợp lý hơn để đầu tư mạnh mẽ cho việc củng cố và tăng cường năng lực quốc phòng, cũng như đẩy nhanh các cuộc thảo luận về sửa đổi Hiến pháp để hợp pháp hóa sự tồn tại của Lực lượng Phòng vệ.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trực tiếp tới khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên
Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên nóng trở lại sau vài năm tương đối yên ổn do chính quyền Mỹ của cựu Tổng thống Donald Trump và chính quyền tiền nhiệm Moon Che In của Hàn Quốc theo đuổi chính sách đối thoại. Nhưng giờ đây, các chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và cả Thủ tướng Nhật Bản Kishida dường như có tư duy tiếp cận khác trong vấn đề Triều Tiên.
Chính sách an ninh Mỹ - Nhật - Hàn trong bối cảnh mới
Trong vài tháng qua, cả Tổng thống Mỹ và Phó Tổng thống Mỹ đều có chuyến đi tới thăm Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ngày 21/5, trong khuôn khổ chuyến công du Đông Bắc Á, Tổng thống Mỹ Joe Biden đồng ý với người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk-yeol về việc tiến hành các cuộc tập trận quy mô hơn và triển khai thêm nhiều vũ khí chiến lược như máy bay ném bom tầm xa, tàu ngầm có trang bị tên lửa và tàu sân bay nếu cần thiết để đáp trả Triều Tiên. Quan điểm này cứng rắn hơn chính quyền tiền nhiệm của ông Donald Trump, vốn muốn thúc đẩy đối thoại với Triều Tiên.
Ngày 29/9, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Hàn Quốc. Bà thậm chí còn trực tiếp tới khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên. Tại đây, bà khẳng định về cam kết của Mỹ đối với an ninh tại Đông Bắc Á.
"Gần 70 năm sau Hiệp định đình chiến liên Triều, mối đe dọa xung đột vẫn còn. Tôi khẳng định lại rằng liên minh Mỹ và Hàn Quốc sẵn sàng giải quyết bất kỳ trường hợp nào. Cam kết của Mỹ với an ninh Hàn Quốc vững như là sắt".
Cục diện tại Đông Bắc Á đang dần thay đổi khi lãnh đạo mới của Nhật Bản và Hàn Quốc có quan điểm chính sách cứng rắn với Bình Nhưỡng. Khác với người tiền nhiệm Moon Jae-in vốn coi ngoại giao với Triều Tiên là trọng tâm trong chính sách đối ngoại, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol lại coi các lệnh trừng phạt quốc tế là công cụ cần thiết để gây sức ép lên Triều Tiên nhằm buộc nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ông Yoon Suk-yeol từng đề xuất việc phát triển công nghệ cho phép Hàn Quốc tấn công phủ đầu, trong trường hợp nguy cơ đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên xảy ra.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol: "Tôi sẽ xây dựng các lực lượng vũ trang mạnh mẽ để ngăn chặn mọi hành động khiêu khích. Tôi sẽ nghiêm khắc đáp trả các hành động của Triều Tiên theo các nguyên tắc".
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio: "Việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo là một hành động không thể chấp nhận được. Chúng ta phải tái khẳng định và đẩy mạnh hợp tác Nhật Bản - Mỹ, Nhật Bản - Mỹ - Hàn Quốc và Nhật Bản - Hàn Quốc để hướng tới việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên".
Mỹ hiện duy trì 55.000 binh sĩ đồn trú tại Nhật Bản, khoảng 28.000 binh sĩ tại Hàn Quốc. Mỹ có hiệp ước phòng thủ tương hỗ với Seoul mà trong đó hai bên sẽ hỗ trợ cho nhau nếu bị một nước khác tấn công. Xu hướng gia tăng năng lực phòng vệ đang ngày càng được Nhật - Hàn củng cố. Nhật Bản đang xem xét tăng mạnh chi tiêu quốc phòng lên hơn 40.000 tỷ Yen (279 tỷ USD) trong 5 năm tới. Con số này sẽ gấp đôi giới hạn ngân sách quốc phòng hàng năm ở mức khoảng 1% GDP như trong Hiến pháp hòa bình của nước này.
Xu hướng gia tăng năng lực phòng vệ đang ngày càng được Nhật - Hàn củng cố.
Hàn Quốc thì đang đề xuất tăng ngân sách quốc phòng cho tài khóa tới là 57,1 nghìn tỷ won (42,3 tỷ USD), trong đó tập trung vào lĩnh vực mua sắm vũ khí và các dự án quốc phòng. Cách cửa đối thoại vẫn có nhưng ngày càng thu hẹp với việc mở rộng các loại trang thiết bị vũ khí chiến lược từ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Liên minh Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ đẩy mạnh hành động răn đe
Những hành động răn đe quân sự giữa các bên ở Đông Bắc Á là một vòng luẩn quẩn không lối thoát. Hàn Quốc, Nhật Bản dựa vào ô an ninh của Mỹ với mấy chục ngàn quân đồn trú tại khu vực, thì Triều Tiên cũng coi việc phát triển quân sự, thậm chí tới mức sở hữu vũ khí hạt nhân là đòn bẩy duy nhất để đảm báo sự tồn tại của mình.
Dù Triều Tiên chưa bao giờ công bố số lượng tên lửa họ đang sở hữu, nhưng theo các nguồn tin tình báo phương Tây, Bình Nhưỡng được cho là đang sở hữu khoảng 1.000 tên lửa đạn đạo, dù đa phần đều là tầm ngắn, loại có thể bay từ 48km tới 480km. Nhưng gần đây nước này đã thử nghiệm thành công với các loại tên lửa tầm xa, có tầm bắn có thể tới trên 10.000 km. Dựa trên dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washinton, Mỹ, hiện Triều Tiên đang sở hữu 3 loại tên lửa hiện đại có tầm bắn trên 1.500 km.
Các loại tên lửa hiện đại nhất của Triều Tiên
Đầu tiên phải kể đến loại tên lửa Pukguksong, thế hệ tên lửa Pukguksong mới nhất tầm bắn đạt 2.000 km. Loại tên lửa này được ghi nhận thử nghiệm gần nhất vào tháng 10/2019.
Tiếp đến là loại tên lửa Taepodong. Taepodong thế hệ thứ hai có tầm bắn lên tới 10.000 km. Triều Tiên đã tiến hành lần thử nghiệm lần thứ 5 gần đây nhất vào tháng 2/2016, nhằm đưa vệ tinh Kwamongsong-4 lên quỹ đạo.
Thế hệ tên lửa Hwasong, có nhiều phiên bản bao gồm cả tên lửa tầm trung với tầm bắn dưới 5.000km và tên lửa xuyên lục địa tầm bắn lên tới hơn 10.000 km. Đáng chú ý là tên lửa Hwasong - 15 có tầm bắn gần 13.000 km trong thử nghiệm tháng 11/2017. Ngoài ra, Triều Tiên đang phát triển thế hệ Hwasong - 17 có tầm bắn lên tới 15.000 km.
Trước khi tiến hành các vụ thử tên lửa vừa qua, cũng trong tháng 9, Triều Tiên đã thông qua luật mới trong đó tuyên bố là quốc gia hạt nhân và cho phép quyền sử dụng tấn công phủ đầu bằng hạt nhân để tự vệ.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un: "Ý nghĩa quan trọng nhất của việc lập pháp chính sách vũ khí hạt nhân là vạch ra một ranh giới không thể đảo ngược, để không thể có thương lượng về vũ khí hạt nhân của chúng ta.
Luật mới đã trao cho Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un quyền duy nhất để ra lệnh kích hoạt vũ khí hạt nhân, quy định cụ thể về điều khoản quyền sử dụng đòn tấn công phủ đầu bằng hạt nhân để tự vệ. Luật mới ngoài vạch ra kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân, còn cấm việc chia sẻ bất cứ vũ khí hạt nhân hoặc công nghệ hạt nhân với nước ngoài.
Như vậy so với luật năm 2013 được thay thế, luật mới đã thêm nội dung "tấn công phủ đầu" bằng hạt nhân, nếu nhận thấy nguy cơ "các mục tiêu chiến lược", bao gồm lãnh đạo của đất nước sắp bị tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Bộ luật mới về chính sách vũ khí hạt nhân đã khẳng định học thuyết phòng thủ dựa vào vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và nước này "sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân".
Triều Tiên đã tiến hành 6 lần thử nghiệm hạt nhân vào các năm 2006, 2009, 2013, 2016 và 2017, trong đó 2 vụ thử nghiệm cuối cùng được nước này tuyên bố là bom nhiệt hạch, và vụ ngày 3/9/2018 có sức công phá mạnh nhất, trước khi tuyên bố đơn phương ngừng các vụ thử hạt nhân.
Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân
Hội đồng Bảo an chia rẽ về trừng phạt Triều Tiên
Phiên họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 5/10 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận về các bước tiếp theo đối với vấn đề tên lửa Triều Tiên, bất chấp cảnh báo từ Mỹ và các đồng minh cho rằng việc Hội đồng Bảo an không thể đạt được đồng thuận trước số vụ phóng kỷ lục của Triều Tiên trong năm nay đã làm suy yếu quyền lực của cơ quan này. Trung Quốc và Nga ủng hộ quan điểm ngoại giao thay vì trừng phạt.
Ông Geng Shuang - Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc: Hội đồng Bảo an nên đóng vai trò mang tính xây dựng trong vấn đề Triều Tiên, thay vì chỉ dựa vào những lời chỉ trích hoặc sức ép. Họ nên thúc đẩy nối lại đối thoại thay vì mở rộng sự khác biệt và chia rẽ.
Bà Anna Evstigneeva - Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc: Việc áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên là một ngõ cụt, không mang lại kết quả nào. Các cơ chế của Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an cần được sử dụng để hỗ trợ đối thoại liên Triều và các cuộc đàm phán đa phương.
Sau cuộc họp lần này, 9 trên 15 thành viên của Hội đồng Bảo an gồm Mỹ, Anh, Pháp, Albania, Brazil, Ấn Độ, Ireland, Na Uy và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trong một tuyên bố chung.
Mỹ từng đề xuất HĐBA cần có các biện pháp trừng phạt Triều Tiên mạnh hơn, chẳng hạn như giảm lượng dầu Triều Tiên được phép nhập khẩu vì mục đích dân sự từ 4 triệu thùng/năm xuống 2 triệu thùng/năm. Tuy nhiên, những biện pháp do Mỹ đề xuất không được thông qua tại HĐBA bởi vấp phải sự phản đối của hai nước nắm quyền phủ quyết.
Hội đồng Bảo an đã áp lệnh trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006, đồng thời thắt chặt các biện pháp này trong nhiều năm nhằm tìm cách kiềm chế cũng như cắt nguồn tài trợ với các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, vào tháng 5 năm nay, Trung Quốc và Nga đã chặn một nghị quyết của Hội đồng Bảo an nhằm trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với các vụ thử tên lửa. Đây được coi là vết rạn nứt nghiêm trọng đầu tiên của hội đồng này về các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!