Dấu ấn chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Nhật Bản của Thủ tướng

Trung Kiên, Lê Tuấn, Chí Thành (Ban Thời sự). Ảnh: VOV-Chủ nhật, ngày 29/05/2016 20:09 GMT+7

VTV.vn - Rạng sáng 29/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Nhật Bản.

Chỉ vài giờ sau khi Chính phủ được kiện toàn nhân sự hôm 9/4, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã chính thức chuyển lời mời thăm Nhật Bản và dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng của Thủ tướng Shinzo Abe tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đây là lần đầu tiên sau 42 năm, Việt Nam được mời tham dự Hội nghị G7 Thượng đỉnh mở rộng cùng với 6 nước khác để thảo luận về những thách thức đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Tại cuộc gặp lần đầu tiên với lãnh đạo của 7 nước công nghiệp phát triển, cùng các tổ chức và định chế tài chính hàng đầu thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra một loạt các mối quan tâm của Việt Nam, từ đó kêu gọi các nước hỗ trợ Việt Nam xây dựng kết cấu hạ tầng chất lượng cao, bền vững, hỗ trợ để đối phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long và lâu dài hơn là ứng phó với biến đổi khí hậu có thể sẽ đến sớm hơn dự báo.

Tại các cuộc gặp với lãnh đạo các nước có vai trò lớn đối với Ngân hàng Thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều đề nghị và nhận được sự ủng hộ các nước trong việc kéo dài thời gian Việt Nam được vay vốn với lãi suất thấp từ Hiệp hội Phát triển Quốc Tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới. Vì theo nguyên tắc, do Việt Nam đã trở thành nước phát triển có mức thu nhập trung bình sẽ không được vay vốn IDA từ 1/7/2017.

Kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam thăm Nhật Bản và hội kiến với tất cả các nhà lãnh đạo của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng

Quan điểm của Việt Nam về Biển Đông tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng trình bày quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, ngay sau khi các nhà lãnh đạo G7 ra một tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ các nỗ lực bảo đảm an ninh, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, bởi an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông là một thách thức ngày càng lớn đối với hòa bình và an ninh của khu vực.

Cùng chung quan điểm trên, tại hội nghị các nước đều kêu gọi các bên phải kiềm chế, sử dụng các biện pháp hòa bình và cả các biện pháp pháp lý để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế; đồng thời cùng nhau xây dựng lòng tin để triển khai hiệu quả các cam kết của khu vực về vấn đề này, bởi nếu an ninh ở khu vực này không được bảo đảm Việt Nam cũng như các nước trên thế giới không thể phát triển được.

Quan hệ đối tác sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản

Tại cuộc hội đàm diễn ra tối 28/5 giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe, trên tinh thần tin cậy lẫn nhau, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí cùng phối hợp để duy trì an ninh, ổn định an toàn tự do hàng hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tuy nhiên, cuộc hội đàm của lãnh đạo hai nước có quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng không chỉ có vấn đề này, vì chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam tới Nhật Bản sau Đại hội XII của Đảng còn truyền tải thông điệp khẳng định đường lối nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam coi trọng và ưu tiên tăng cường quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, lâu dài với Nhật Bản.

Để thực hiện kết nối hai nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tưởng Shinzo Abe nhất trí hợp tác chặt chẽ cùng trao đổi các biện pháp cụ thể để thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển kinh tế, kết nối nguồn lực sản xuất, kết nối nguồn nhân lực thông qua hợp tác đầu tư, thương mại và ODA. Ngoài ra, Thủ tướng Shinzo Abe cũng khẳng định tiếp tục cung cấp ODA hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội và trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, ứng phó biến đổi khí hậu. Theo đó, mức cam kết của năm nay sẽ không thấp hơn con số cam kết của năm ngoái và trên nhiều lĩnh vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Bên cạnh những hợp tác về chính trị, an ninh, kinh tế - thương mại, một lĩnh vực hợp tác khác cũng được Chính phủ Nhật Bản cam kết trong chuyến thăm này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đó là Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với Việt Nam xây dựng chuỗi cung ứng về nông nghiệp. Trong đó, Nhật Bản sẽ chuyển giao công nghệ để Việt Nam phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cũng như sẵn sàng nhập khẩu những mặt hàng mà Việt Nam đề nghị như thanh long, xoài, vú sữa và ngược lại Việt Nam cũng sẵn sàng nhập khẩu lê của Nhật Bản.

Chính vì vậy, việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm một trang trại nông nghiệp sạch ở tỉnh Nagoya trước khi về Tokyo để có cuộc hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe có thể được coi như là một hành động biểu đạt sự hợp tác trong nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ bước sang một giai đoạn mới với chất lượng cao hơn rất nhiều.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trênTV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước