Đây là nội dung được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông vào sáng 8/9. Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Đây là cuộc làm việc chính thức đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ với Bộ Thông tin và Truyền thông trong vòng 10 năm qua.
Tại cuộc làm việc, Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã báo cáo những nội dung cơ bản về hoạt động của Bộ trong thời gian qua, tập trung vào hai lĩnh vực chính là công nghệ và tuyên truyền.
Theo đó, ở lĩnh vực viễn thông, gần 1 triệu km cáp quang đã được triển khai đến tận thôn, bản, xã, phường của 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và Việt Nam trở thành một trong những nước có tỷ lệ cáp quang hóa cao nhất thế giới. Sóng di động đã phủ tới 99,5% dân số; hình thành xa lộ thông tin kết nối với toàn thế giới.
Hiện Việt Nam có gần 50.000 doanh nghiệp công nghệ, thông tin và truyền thông với doanh thu 100 tỷ USD, tăng trưởng 18% về doanh thu. Mục tiêu Bộ đặt ra là trong vài năm tới sẽ tăng gấp 2 số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Đặc biệt, riêng lĩnh vực công nghệ thông tin, thời gian qua đã thể hiện là một ngành kinh tế lớn và chủ lực của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu về tình hình thời gian qua và giải pháp cho sự phát triển của ngành thông tin và truyền thông, kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong trong phát triển các lĩnh vực được giao quản lý.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số mặt hạn chế, yếu kém của ngành, trong đó, việc triển khai quy hoạch báo chí còn chậm. Công tác quản lý báo chí và mạng xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập. Thủ tướng cũng lưu ý hiện Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ nhiễm mã độc cao trên thế giới, là một trong các nước đứng đầu về tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại qua các thiết bị đa phương tiện, tuy nhiên còn lúng túng, bị động trong việc khắc phục.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông cần tập trung vào một số giải pháp trong thời gian tới. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam cần tiến tới một nền kinh tế số, xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển thương mại điện tử, xây dựng thành phố thông minh, áp dụng nhanh hơn, tốt hơn trí tuệ nhân tạo… mà trong đó Bộ Thông tin và Truyền thông phải đóng vai trò dẫn dắt, thực hiện khát vọng của dân tộc sớm đưa Việt Nam thành cường quốc về công nghệ thông tin.
Thủ tướng cũng đề nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông cần khẩn trương triển khai thực hiện quy hoạch báo chí theo kết luận của Bộ Chính trị và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương trong việc chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, bảo đảm khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như các biện pháp mới, mạnh mẽ của Chính phủ, các cấp, các ngành trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; đấu tranh phản bác đối với những luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu độc; xử lý nghiêm các vi phạm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!