Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương đưa ra tại hội thảo “Chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và vai trò của doanh nghiệp” diễn ra chiều qua (25/5), trong năm 2015, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra hơn 38.000 vụ việc, trong đó 66% là vi phạm, số tiền xử phạt hành chính khoảng 68 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo tờ Đại đoàn kết, dù cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt, nhưng hàng giả, hàng nhái vẫn tràn lan. Nguyên nhân được xác định là do tem nhập khẩu, nhãn mác, bao bì rất dễ dàng mua bán, gia công nhanh gọn chỉ từ 1 - 2 tháng là có hàng giả rất giống hàng thật.
Thống kê cho thấy có đến 70% hàng nhái sản xuất từ nước ngoài. Thậm chí, có các doanh nghiệp còn lợi dụng cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” để sản xuất, trà trộn hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam mang ra tiêu thụ.
Trong khi đó, dù đã đăng ký sở hữu trí tuệ về tem nhãn mác, chất lượng sản phẩm, nhưng rất nhiều doanh nghiệp làm ăn thật, có sản phẩm thật lại hờ hững, e dè, ngại tố giác hàng giả. Thậm chí, có doanh nghiệp còn hoảng hốt than thở “Làm thế này thì tôi chết” khi thấy sản phẩm của doanh nghiệp mình trên các phương tiện thông tin truyền thông. Mà thực tế, doanh nghiệp tự đầu hàng, người tiêu dùng phải gánh chịu hậu quả.
Ngoài ra, theo một số tờ báo, việc xử lý và các chế tài xử phạt trong lĩnh vực này chưa hợp lý. Rõ ràng, kết quả kiểm tra có đến 66% vụ sai phạm về hàng giả, hàng lậu, nhưng trong 7 vụ phát hiện vi phạm, chỉ 1 vụ bị khởi tố hình sự, 6 vụ còn lại bị xử phạt hành chính.
Thêm vào đó, dù cơ quan công an biết rõ các đối tượng cố ý buôn bán hàng giả, nhưng việc bắt chứng minh lỗi cố ý xâm phạm sở hữu trí tuệ là rất khó khăn, nhiều văn bản chồng chéo, cộng thêm doanh nghiệp bị làm giả sản phẩm lại không dám lên tiếng. Vì vậy, công tác xử lý hàng giả, hàng nhái được ví như “gà mắc tóc”.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!