Khép kín quy trình đào tạo–việc làm: Chọn hiền tài, cho ra lò lao động chuẩn quốc tế

Trung Khánh-Thứ ba, ngày 09/08/2016 15:03 GMT+7

Lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Ảnh minh họa: VTV

VTV.vn - Câu chuyện thí sinh thi đỗ đại học nhưng ra trường không kiếm được việc làm, hoặc có năng suất lao động thấp có thể sẽ thay đổi trong một vài năm tới.

Sinh viên học tập tốt, ra trường vẫn thất nghiệp

Các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hàng năm tuyển chọn được hàng trăm nghìn sinh viên. Sau quãng thời gian học tập tại các trường đại học, cao đẳng, các sinh viên ra trường với hành trang là kiến thức thu nhận được từ giảng đường và tấm bằng tốt nghiệp. Tuy nhiên, một thống kê khiến tất cả giật mình là hiện có hàng trăm nghìn sinh viên đại học ra trường nhưng không tìm được việc làm hoặc làm trái ngành nghề được đào tạo.

Đây là thực trạng mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận định đã gây ra lãng phí với cá nhân các sinh viên nói riêng về mặt thời gian và tiền bạc cũng như với xã hội nói chung về mặt sử dụng nguồn nhân lực quốc gia.

“Nhiệm vụ năm 2016 mà Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề ra đó là Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT và Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT phân tích một cách cụ thể số lượng sinh viên ra trường chưa tìm được việc làm để điều chỉnh cơ cấu tuyển sinh của các trường, các ngành nghề cho phù hợp; qua đó có sự gắn kết tốt hơn giữa đào tạo với thị trường lao động”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan cho biết. Ngoài ra, Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, Bộ LĐ-TBXH sẽ phối hợp với Tổng cục Thống kê dự báo thị trường lao động, hàng quý công bố những con số thống kê về thị trường lao động Việt Nam.

Không thể phủ nhận, sinh viên Việt Nam có kiến thức vững vàng, thông minh, cần cù, chịu khó, thường giành các giải cao ở các kỳ thi quốc tế. Mặc dù vậy, sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp thường tỏ ra “lép vế” hơn so với các bạn đồng trang lứa, thậm chí chỉ tính ở trong Cộng đồng ASEAN.

Ngoài kiến thức trên giảng đường, sinh viên Việt Nam còn thiếu và yếu hai yếu tố để bắt kịp với quốc tế là kỹ năng mềm và ngoại ngữ. Cũng theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Hồng Lan, tay nghề lao động Việt Nam khá tốt nhưng ý thức kỷ luật và ngoại ngữ còn hạn chế khi có điều khi làm việc tại thị trường ASEAN hay rộng hơn là các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc… “Hai yếu tố này không chỉ đào tạo chỉ trong vài tháng trước khi xuất khẩu lao động mà phải là cả một quá trình bắt đầu từ cấp Tiểu học”, Thứ trưởng Lan kiến nghị.

Cũng có chung quan điểm trên với Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá về chất lượng lao động Việt Nam: "Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam mới xấp xỉ 4/10 điểm. Trong số 12 nước tham gia khảo sát, Việt Nam đứng thứ 11. Có thể thấy, năng suất lao động của Việt Nam đang thuộc loại thấp nhất trong khu vực. Điều đáng ngại hơn là tốc độ tăng năng suất đang giảm dần trong những năm qua".

"Bằng cấp nhiều nhưng kỹ năng, khả năng chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, đặc biệt là tính kỷ luật, sức bền của lao động Việt Nam tương đối thấp trong tương quan so với những nền kinh tế hàng đầu trong ASEAN. Đây là điều chúng ta phải khắc phục trong thời gian tới nếu muốn cạnh tranh được trong thị trường ASEAN", ông Vũ Tiến Lộc nói.

Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc bỏ trốn và những hệ lụy Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc bỏ trốn và những hệ lụy

VTV.vn - Người lao động tại Hà Tĩnh muốn đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc có thể không được chấp nhận trong thời gian tới khi gần 1.000 lao động đã bỏ trốn tại quốc gia này.

Khép kín quy trình giáo dục – việc làm để cho ra lò lao động đạt chuẩn quốc tế

Vấn đề giáo dục & đào tạo gắn liền với thị trường đầu ra của lao động đang được rất nhiều lãnh đạo đầu ngành quan tâm và tìm giải pháp để phối hợp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đã “bắt mạch” đúng điểm yếu của ngành giáo dục. Với tư cách là trưởng ngành giáo dục và đào tạo nước ta, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, trong thời gian tới, cần phải đào tạo, đặc biệt là đào tạo ở bậc đại học, cung cấp những lao động mà thị trường cần thay vì đào tạo lĩnh vực thế mạnh của các trường.

“Ngay từ bây giờ sẽ bắt đầu sự phối hợp giữa các bộ ngành từ tầm vi mô đến vĩ mô để gắn liền giữa vấn đề giáo dục & đào tạo và việc làm. Về phía ngành giáo dục, các trường đại học phải có bộ phận dự báo nghề nghiệp cho sinh viên, bởi sinh viên vào học 4-5 năm sau mới ra trường và khi đó thị trường lao động sẽ khác hiện tại. Từ các trường đào tạo nghề, Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học phải điều chỉnh về kiến thức, kĩ năng, ngoại ngữ để gắn vào nhu cầu thị trường lao động, sao cho sinh viên ra trường không bỡ ngỡ. Ngoài ra, khuyến khích việc “đặt hàng” từ các doanh nghiệp, xã hội hóa giáo dục”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay. “Với các sinh viên, không nên câu nệ bằng cấp giữa các trường, lao theo ngành học “hot” hiện tại mà phải có sự tìm hiểu thông tin, thị trường lao động để có sự lựa chọn chính xác”.


Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Vấn đề đầu vào, đầu ra của ngành giáo dục cũng được đặc biệt quan tâm trong chu trình khép kín giữa giáo dục & đào tạo và việc làm. TS Vũ Tiến Lộc – đại diện cho khối doanh nghiệp cũng mạnh dạn “đặt hàng” ngành giáo dục với 3 điều kiện: xã hội hóa, thực dụng hóa và quốc tế hóa: “Ngoài xu hướng xã hội hóa giáo dục đang được triển khai, cần thực dụng hóa nội dung trong giáo dục để rút ngắn quãng đường “từ trưởng tới xưởng’. Việc quốc tế hóa để đạt chuẩn quốc tế là điều cần thiết nếu muốn hội nhập. Doanh nghiệp không chỉ đặt hàng, lo đầu ra mà còn tham gia vào đầu vào, đầu tư, hợp tác chặt chẽ với ngành giáo dục”.

Đầu tư cho giáo dục và đầu tư phát triển, mang lại lợi ích kép. Thứ nhất, thông qua đầu tư cho giáo dục sẽ tạo ra năng suất lao động, còn gọi là Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP). Thông qua năng suất lao động sẽ đóng góp quan trọng cho tăng trưởng GDP. Thứ hai, đầu tư cho giáo dục và để phát triển con người. Đây là yếu tố quan trọng nhất.

Để có luận cứ cụ thể và xác thực, Bộ GD&ĐT đã đặt hàng Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) nơi Giáo sư Ngô Bảo Châu giữ cương vị Giám đốc khoa học nghiên cứu, giải bài toán đầu tư cho giáo dục có liên quan như thế nào tới tăng trưởng kinh tế. Thông qua việc nghiên cứu mối quan hệ giữa đầu tư vào giáo dục, TFP đóng góp vào GDP sẽ có được những chỉ số cụ thể để Chính phủ và các bộ ngành có những chỉ số để tính toán tới những giải pháp cụ thể trong thời gian tới.

Như vậy, với những giải pháp đồng bộ và những động thái cụ thể đã và đang tiến hành của các bộ ngành, hi vọng trong thời gian tới, các sinh viên Việt Nam ra trường sẽ có tỉ lệ tìm được việc làm cao hơn, chọn được ngành nghề phù hợp hơn và đặc biệt là đạt chuẩn quốc tế qua đó, có được đội ngũ lành nghề xuất khẩu lao động trên nhiều lĩnh vực.

ASEAN hướng tới thúc đẩy thị trường việc làm bền vững ASEAN hướng tới thúc đẩy thị trường việc làm bền vững

VTV.vn-Đây là một trong những nội dung của Tuyên bố Viêng Chăn được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 24 và các Hội nghị liên quan kết thúc ngày 16/5 tại Lào.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước