Đây là dự luật đang được kỳ vọng sẽ khắc phục được những vấn đề của Luật phá sản hiện hành, đó là đa phần doanh nghiệp bị phá sản nhưng không thể phá sản được theo đúng trình tự của pháp luật.
Một số Đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo Luật phá sản sửa đổi vẫn còn những hạn chế, như chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã gặp khó khăn, thua lỗ có cơ hội rút khỏi thị trường đàng hoàng và có thể phục hồi sản xuất khi có điều kiện. Có Đại biểu đề nghị Dự thảo Luật phá sản cần đưa ra các tiêu chí rõ ràng thế nào là “chậm trả nợ” hay “lâm vào tình trạng phá sản” để tránh tình trạng doanh nghiệp chưa thật sự mất khả năng thanh toán nợ đã bị hạ uy tín, hoặc doanh nghiệp trốn nợ lợi dụng luật để xin phá sản.
Ông Đặng Công Lý, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho biết: “Làm rõ tình trạng Mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp, hợp tác xã tránh lợi dụng khó khăn của doanh nghiệp để đề nghị mở thủ tục phá sản, mà cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội thời gian khắc phục”.
Ông Dương Hoàng Hương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ nói: “Việc trì hoãn trả nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã khác với trường hợp mất khả năng trả nợ đến hạn, trường hợp này nên kiến nghị là khởi kiện, thay vì thủ tục phá sản”.
Một số Đại biểu không đồng tình quy định rút lại thẩm quyền toà án cấp huyện và tập trung vào tòa cấp tỉnh trong việc giải quyết yêu cầu phá sản của doanh nghiệp và hợp tác xã. Vì như vậy, Toà án nhân dân cấp tỉnh sẽ chịu nhiều áp lực và quá tải. Trong khi thực tế, rất nhiều hợp tác xã quy mô nhỏ, chủ yếu được đăng ký kinh doanh ở cấp huyện.
Ông Trịnh Ngọc Phương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh chia sẻ: “Nên quy định doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, phân cấp vụ nào Tòa nào xử, lý do gì Tòa tỉnh lấy vụ huyện xử lý”.
Từ thực tế có không ít chủ doanh nghiệp vỡ nợ bỏ trốn hiện nay, nhiều đại biểu tán thành với dự thảo khi quy định Người quản lý tài sản phá sản được đại diện cho đơn vị yêu cầu mở thủ tục phá sản mà không có người đại diện hợp pháp để giải quyết nhanh gọn thủ tục phá sản, bảo đảm được quyền lợi của chủ nợ và người lao động trong các doanh nghiệp bị phá sản. Trước đó, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi).