THAY ĐỔI SUY NGHĨ VỀ NHU CẦU CUỘC SỐNG
Chưa từng có một thứ gì siêu nhỏ bé khiến thế giới đảo lộn chóng mặt đến thế. Nhịp sống cả thế giới thay đổi. Nhiều người đặt câu hỏi cuộc sống hậu COVID-19 sẽ như thế nào? Nhiều thứ sẽ thay đổi cơ bản, điều chỉnh hay lối sống tối giản, sống chậm chỉ là nhất thời để thích ứng với dịch bệnh?
Một cuộc khảo sát cho thấy chỉ 9% người Anh được hỏi muốn cuộc sống trở lại bình thường như trước khi có COVID-19. Hãng tin Bloomberg dự đoán, 10 thay đổi cơ bản hậu COVID-19, trong đó có văn hóa tiêu dùng. Có thể nhận thấy đang dần có sự thay đổi trong cách ăn, mặc, ở của nhiều gia đình.
Nhu yếu phẩm là ưu tiên hàng đầu khi túi tiền nhiều gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhiều trung tâm thương mại, shop hàng hiệu, dù giảm giá mạnh vẫn vắng khách. Sự dịch chuyển này xem ra không chỉ do túi tiền mà còn là suy nghĩ về nhu cầu cuộc sống.
Theo khảo sát mới nhất của Nielsen, 47% người Việt Nam đã thay đổi thói quen ăn uống, tự nấu ăn nhiều hơn. 70% xem xét lại kế hoạch du lịch. Còn tại Anh Quốc, kế quả một cuộc khảo sát cho thấy 61% người dân Anh chi tiêu ít đi, 42% coi trọng thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác hơn.
Ý THỨC MÔI TRƯỜNG, CỘNG ĐỒNG TĂNG CAO
Trong cuộc chiến chống dịch, thế giới bày tỏ sự ngưỡng mộ Việt Nam, một quốc gia nhỏ bé tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã làm được nhiều điều không tưởng. Sức mạnh chính là sự đoàn kết, đặc biệt là ý thức cộng đồng, 1 người vì mọi người.
COVID-19 một lần nữa nhắc nhở mọi người cần thay đổi tư duy về lợi ích, hạnh phúc, mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng và cả những nguy cơ đe dọa cuộc sống của cá nhân mình để cùng nhau xây dựng nên một xã hội tốt đẹp hơn.
Những ngày giãn cách, lưu lượng giao thông tại Hà Nội giảm 60%-80%. Chất lượng không khí trước đó đa phần ở mức tím, cảnh báo xấu cho sức khỏe. Nhưng nhiều ngày liền sau 1/4, các chỉ số đã ở ngưỡng xanh, thông số bụi mịn PM 2.5 đều giảm 22%-25%. Sự chuyển biến này không chỉ đến từ giao thông mà từ chính những thay đổi nhỏ của mỗi người.
Trên thế giới, lệnh dừng các hoạt động giao thông khiến tại Venice, Italy, lần đầu tiên người ta thấy cả cá bơi lội dưới dòng kênh. Mật độ giao thông giảm hơn 1/3, khiến lượng carbon oxide tại New York, Mỹ, giảm thải tới 50%.
Cấm các khu chợ buôn bán động vật hoang dã, kêu gọi ngừng ăn thịt các loại động vật này là nỗ lực của Chính phủ nhiều nước và các tổ chức bảo vệ môi trường, thiên nhiên
Không phân biệt giàu nghèo, COVID-19 đang thử thách sức chống đỡ của nhiều quốc gia. Ngay tại nhiều nước phát triển, hàng triệu người lao động nghèo vẫn điêu đứng. Trong khi đó tại Việt Nam, trong khó khăn, cả xã hội chung tay cùng chính phủ giúp đỡ những người yếu thế. Mỗi người bớt đi một chút, vì người khó khăn hơn mình. Những cửa hàng không đồng, những chiếc máy ATM gạo miễn phí khắp các tỉnh thành nói tiếng nói của yêu thương, chia sẻ. Trước khủng hoảng, người ta lại càng đặt nhiều câu hỏi về một xã hội phát triển hài hòa, vững bền giữa lợi ích cá nhân và cộng đồng.
Ở nhiều nơi trên khắp thế giới, những cánh rừng vẫn đang bị chính con người tàn phá không thương tiếc. Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi, để cùng xây dựng tương lai xanh.
Trước dịch bệnh, ai cũng nhận thấy giá trị của sức khỏe bằng việc chăm chỉ tập thể dục hơn, ăn uống, sinh hoạt điều độ hơn để tăng đề kháng. Nhưng chừng ấy không thể cải thiện môi trường nước, không khí, động thực vật, để giúp chúng ta sống sạch - sống xanh - sống khỏe. Trước COVID-19, nhiều quốc gia chợt bừng tỉnh là dịch bệnh, thiên tai có thể ập đến bất kỳ lúc nào và cuộc sống, môi trường sống do chính con người quyết định. Bớt cái tôi đi một chút, ý thức hơn vì cái chung, tương lai bắt đầu từ những thay đổi nhỏ, tích cực ngày hôm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!