GS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương - và PGS.TS Trần Như Dương - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tại chương trình Sự kiện & Bình luận sáng nay (19/4)
Đánh giá về tình hình dịch sởi năm nay, ông Trần Như Dương cho biết: "Trong năm 2013 - 2014 dịch sởi đã xảy ra ở rất nhiều nước trên thế giới, ở những nước xung quanh chúng ta và những nước ở phía Tây Thái Bình Dương và Việt Nam cũng nằm trong số đó. Số ca mắc sởi được thế giới ghi nhận trong năm nay là tăng gấp 3 lần so với những năm trước đó. Việt Nam cũng nằm trong chu kỳ và xu hướng chung về tình hình dịch sởi. Trong khi đó, Việt Nam lại đang rơi đúng vào chu kỳ dịch sởi nội địa, nghĩa là sau 3-5 năm chu kỳ dịch sởi nội địa lại có một lần và 2013-2014 là đúng chu kỳ ấy".
"Bệnh sởi đã xuất hiện từ cuối 2013 đến 2014 chứ không phải có sự phân biệt ranh giới giữa 2013 và 2014. Lúc đầu xảy ra chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc, sau đó lan dần sang các tỉnh trung du và đồng bằng. Và cho đến thời điểm này thì có hơn 8000 ca phát ban dạng sởi, hơn 3000 trường hợp được chẩn đoán. Tuy nhiên, chúng tôi xin khẳng định là dịch sởi chỉ được ghi nhận ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, còn đại đa số ở các tỉnh thành phố khác, dịch ở tình trạng tản mát với số lượng nhỏ. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng là dịch tản mát trên diện rộng nhưng số mắc tương đối cao".
Trong khi đó, theo con số chính xác được PGS.TS Nguyễn Văn Kính cung cấp thì "theo báo cáo của cục y tế dự phòng bộ y tế chúng ta đã ghi nhận 8500 trường hợp phát ban dạng sởi và 3016 trường hợp dương tính với sởi".
Trả lời câu hỏi số trẻ tử vong - hơn 100 ca tử vong - có phải là con số cao bất thường, ông Trần Như Dương nói: "Đối với dịch sởi nhìn chung và với diễn biến bình thường thì hầu hết các bệnh nhân sởi đều được chữa khỏi và có thể điều trị ở các bệnh viện y tế cơ sở nhưng nặng thì có thể tử vong".
‘ PGS.TS Trần Như Dương - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Ông Nguyễn Văn Kính: "So với diễn biến của dịch sởi năm trước và những chu kỳ của dịch sởi của những năm trước thì số lượng tử vong năm nay tăng hơn và đây là vấn đề chúng ta lưu tâm và cũng là vấn đề nhiều người quan tâm tới. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, số tử vong mà chúng ta ghi nhận là hơn 100 trường hợp chủ yếu ghi nhận ở Bệnh viện Nhi Trung ương chứ không phải tất cả các nơi. Bộ Y tế và hội đồng chuyên môn cũng đã xem xét tỉ mỉ các trường hợp và thấy rằng nó có những yếu tố liên quan trong mùa lạnh và ẩm".
Giải thích cho lý do số ca tử vong tập trung cao ở Bệnh viện Nhi Trung ương, ông Nguyễn Văn Kính nói: "Có một số lý do, thứ nhất đây là bệnh viện tuyến cuối, trình độ chuyên môn cao và tâm lý của tất cả các bà mẹ khi có con ốm hoặc những trường hợp bệnh nặng là đều chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương, gây nên tình trạng quá tải, tập trung một chỗ. Trong khi đó bệnh sởi lại là một bệnh cực kỳ dễ lây qua đường hô hấp và tỷ lệ tấn công có thể lên đến 100%".
"Chúng ta có thể tưởng tượng rằng có 3000 cháu tới khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương cộng với khoảng 3000 bà mẹ nữa thì nguy cơ lây lan là rất lớn, và trên nền các cháu đã mắc bệnh nặng chuyển lên trên này rồi thì chuyện lây nhiễm lại càng cao".
‘ PGS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Trả lời cho câu hỏi vì sao bệnh sởi vốn là bệnh lành tính nhưng năm nay lại được coi như một bệnh chết người, vô cùng nguy hiểm như vậy, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết: "Như tôi đã nói, trong số những trường hợp tử vong do sởi thì có hơn 100 trường hợp được ghi nhận ở Bệnh viện Nhi Trung ương, ở các tỉnh khác rất ít. Chúng ta cũng biết bệnh sởi là một bệnh lành tính, 90% sẽ khỏi và 10% là biến chứng. Các biến chứng ở đây chủ yếu là bộ nhiễm vi sinh vật. Giải thích tại sao trong cùng thời điểm viện Nhi lại có nhiều trường hợp tử vong như vậy thì chúng ta biết bản chất của virus sởi là dẫn đến suy giảm miễn dịch, khi cơ thể của đứa trẻ đã yếu ớt, mắc một bệnh nguy hiểm rồi, vào viện mắc thêm sởi thì dẫn đến bị giảm miễn dịch, làm cho bộ nhiễm các vi sinh vật kháng thể giảm".
"Ngay từ đầu bệnh sởi cũng giống như tất cả các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác và cái lây của sởi - ngay trước khi phát ban 3, 4 ngày - thì biểu hiện là bị ho, chảy nước mắt, nước mũi... và những biểu hiện ấy nhiều người cũng không biết đấy là sởi và họ mang con đến bệnh viện khám. Trong khí đó, hàng ngày có đến hàng nghìn người tới bệnh viện khám, tạo cơ hội lây lan cho virus sởi và khi bùng phát, lúc có ban, phát hiện thì đã muộn rồi, cơ thể bị suy sụp miễn dịch rồi".
Để biết thêm về nội dung cuộc toạ đàm về căn bệnh đang rất được quan tâm với 2 khách mời, 2 nhà chuyên môn, các bạn hãy click vào video dưới đây để tiếp tục theo dõi: