Các cuộc tấn công mạng trên thế giới và Việt Nam đang ngày càng tăng về số lượng và hướng tới nhiều đối tượng. Ngày nay, việc sử dụng máy tính có kết nối Internet để làm việc, học tập hay giải trí đang rất phổ biến. Nhưng trong quá trình sử dụng các phương tiện này để soạn thảo văn bản, tìm kiếm thông tin hay sử dụng thư điện tử, phần mềm gián điệp có thể lợi dụng lỗ hổng an ninh để phát tán mã độc, gửi các thông tin về máy chủ của tin tặc.
Theo đó, khi người sử dụng mở một đường link lạ hay một thư điện tử lạ, phần mềm gián điệp sẽ theo đó để lọt vào thiết bị của người dùng và nằm trong đó hàng năm trời. Phần mềm gián điệp sẽ chủ động đánh cắp dữ liệu, gửi về máy chủ của tin tặc.
Khi hệ thống thông tin tại 2 sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị tấn công, các chuyên gia đã sử dụng phần mềm giám sát máy tính để phát hiện các kết nối mạng bất thường tới máy chủ của tin tặc. Từ căn cứ này, 3 tên miền chứa mã độc đã được công bố. Đây là những mã độc đặc biệt nguy hiểm, có thể đánh cắp thông tin và phá hủy hệ thống. Bảo vệ an ninh mạng theo hướng chuyên nghiệp là giải pháp cần được chú trọng thời gian tới.
Các chuyên gia khuyến cáo, cần ngay lập tức chặn việc kết nối đến 3 tên miền nói trên; xoá các thư mục và tập tin có mã độc. Về lâu dài, các tổ chức, cá nhân cần quan tâm đúng mức đến đảm bảo an ninh mạng như: đầu tư thiết bị phần mềm an ninh mạng, phải sử dụng các phần mềm có bản quyền, áp dụng hệ thống quản lý an ninh thông tin theo chuẩn ISO 27001 và nâng cao nhận thức về bảo mật an toàn thông tin.
Trong năm 2015, đã có hơn 5.000 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị tin tặc xâm nhập. 8.700 tỷ đồng là thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!