Hoàng Nguyên là gương mặt quen thuộc của các bản tin thời sự tiếng Anh và tiếng Việt trên VTV4. Được biết Hoàng Nguyên tốt nghiệp đại học ở Mỹ, chuyên ngành khoa học chính trị, sau đó sang Anh học tiếp thạc sĩ chuyên ngành này, nhưng lại trở thành phóng viên truyền hình, cơ duyên này bắt đầu như thế nào?
Cách đây 6 năm, khi đang là giảng viên môn Luật Công pháp Quốc tế ở trường Đại học Hà Nội, Nguyên được một người quen giới thiệu vào dẫn bản tin tiếng Anh ở Đài truyền hình Hà Nội. Sau một vòng phỏng vấn và với vốn tiếng Anh tốt, dù kinh nghiệm dẫn không có nhiều, Nguyên được nhận vào Đài với vai trò là một MC của bản tin tiếng Anh. Và cũng từ đó Nguyên trở thành một phát thanh viên kênh FM90.
Thú thực, lúc đầu mình làm chỉ vì….thích được lên TV… Nhưng sau một thời gian quan sát các anh chị phóng viên, biên tập viên tác nghiệp, Nguyên cảm nhận được cái máu nghề trong đó, và nhận thấy mình cũng có một số hiểu biết chuyên môn, và kỹ năng để có thể trở thành phóng viên. Từ đó Nguyên nghỉ dạy ở Đại học Hà Nội và tập trung công việc ở Đài TH Hà Nội, sau đó là Ban Truyền hình Đối ngoại VTV4, Đài Truyền hình Việt Nam. Được đi nhiều nơi, được lắng nghe, và chia sẻ những câu chuyện ý nghĩa tới công chúng, chính là động lực để mình phấn đấu trở thành phóng viên.
Là người chuyên tiếp xúc, phỏng vấn các chính khách quốc tế, các đại sứ nước ngoài tại Việt Nam, chuyện hậu trường tác nghiệp của bạn hẳn có nhiều kỉ niệm đáng nhớ?
Từ khi trở thành một phóng viên chuyên về chính trị, ngoại giao và kinh tế, Nguyên có cơ hội được gặp rất nhiều chính khách trong nước cũng như nước ngoài. Khi phỏng vấn họ, mình phải chuẩn bị câu hỏi thật kỹ, phải tìm hiểu mình sẽ phỏng vấn ai, họ có bao nhiều thời gian để trả lời, và sẽ trả lời ra sao. Bởi chính khách quốc tế không dễ dàng để gặp, nên phải chắt chiu từng cơ hội phỏng vấn.
Kỉ niệm đáng nhớ thì có thể kể đến cơ hội được tham gia những sự kiện mà các Đại sứ quán nước ngoài tổ chức, từ văn hóa, kinh tế, du lịch và đặc biệt là các sự kiện ẩm thực. Có lẽ vì được tham gia nhiều sự kiện ẩm thực của các Đại sứ quán, nên có một thời gian, Nguyên tăng 4-5 kg (cười).
Hoàng Nguyên cũng rất tâm đắc với đề tài đấu tranh, phản bác các thế lực có âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, một mảng đề tài rất khó mà không phải phóng viên nào cũng có thể đảm nhận?
Thực ra ước mơ của Nguyên là trở thành một phóng viên điều tra, nhưng từ khi Đài Truyền hình Việt Nam đẩy mạnh sản xuất các phóng sự theo yêu cầu của Ban chỉ đạo 35 về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, thì Nguyên cũng được lãnh đạo Ban phân công vào "nhóm phản bác" của phòng. Đây là một mảng đề tài khó, không những yêu cầu phải có hiểu biết chính trị, mà còn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng.
Tháng 3 vừa rồi Nguyên và một vài đồng nghiệp ở Ban Truyền hình Đối ngoại có cơ hội được tham gia làm chuyên mục Đối diện của Ban Thời sự. Một nhiệm vụ khá khó khăn, đòi hỏi hiểu biết sâu về đề tài. Để phản bác được các luận điệu sai trái, mình phải biết điều gì là đúng, để phần tích những luận điệu sai như thế nào, sai ra sao.
Khán giả truyền hình ấn tượng với gương mặt sáng, thông minh cùng lối dẫn dắt, trình bày mạch lạc của Hoàng Nguyên trong các bản tin thời sự nhưng ít người biết bạn đã từng có thời gian đứng trên bục giảng. Bạn chia sẻ đôi chút về quãng thời gian làm giáo viên của mình?
Khoảng thời gian làm giảng viên, Nguyên thay đổi rất nhiều. Khi đứng trên bục giảng, mình phải trở thành một người điềm tĩnh, chín chắn, phải để ý đến lời ăn tiếng nói của mình. Hồi mới dạy, các bạn sinh viên chỉ kém mình 6-7 tuổi, nên không bạn nào chịu gọi mình là thầy, mà cứ chỉ gọi là "anh", khiến mình khá bối rối. Thêm việc phải đứng trước lớp với hơn 100 sinh viên, nên những ngày đầu đi dạy, Nguyên cảm thấy lo lắng, vì sợ sinh viên không chịu nghe mình. Cơ mà không như mình nghĩ, chính vì cách biệt tuổi tác không nhiều, nên mình lại dễ chia sẻ với các bạn sinh viên hơn.
Môn học là Luật công pháp quốc tế - một môn học chuyên ngành khá khó, khô khan, vì nặng lý thuyết. Và để môn học trở nên hấp dẫn hơn, Nguyên thường xuyên tổ chức tranh luận trong lớp, để có thêm sự tương tác giữa các sinh viên, đẩy cao sự chủ động tìm hiểu, cũng như kỹ năng tranh luận. Cũng vì tranh luận quá sôi nổi, nên nhiều khi các giáo viên khác đi ngang qua đều nói rằng, lớp này giảng viên đâu rồi, mà như cái chợ (cười)…
Mỗi khi lên hình trực tiếp có hàng triệu khán giả theo dõi, vì vậy, không chỉ rèn luyện những kĩ năng truyền hình, việc rèn luyện cho mình một tinh thần vững vàng và một phong cách riêng cũng đòi hỏi phải có quá trình và nỗ lực rất nhiều. Với Hoàng Nguyên thì sao?
Để lên hình trực tiếp các bản tin thời sự, MC nào cũng phải trải qua một khoảng thời gian dài luyện tập, từ cách dẫn, giọng dẫn, phòng thái dẫn, cũng như chuyên môn, và Nguyên cũng vậy. Những ngày đầu khi tham gia truyền hình, Nguyên gặp khó khăn khi đọc một văn bản dài, cảm giác rất khó lấy hơi, đọc được 3-4 câu là phải nghỉ. Để cải thiện điều này, Nguyên đã giành rất nhiều thời gian quan sát, và nghe các anh chị phát thanh viên khác đọc rồi bắt chước lại. Càng đọc nhiều, càng quen. Khoảng thời gian làm phát thanh viên tại Đài truyền hình Hà Nội, Nguyên đã tập cho mình một khả năng đọc, và giọng đọc được đánh giá là tốt. Và chất giọng tốt chính là tiền đề để một MC tự tin dẫn trực tiếp trên truyền hình.
Phong thái đĩnh đạc, luôn xuất hiện trước khán giả với bộ vest nhưng Hoàng Nguyên không tạo cảm giác "đóng hộp" mà rất gần gũi. Bạn có nhận được nhiều phản hồi của khán giả, đặc biệt là bà con Việt kiều ở khắp nơi trên thế giới?
Có một điều Nguyên phải thú nhận, đó là mình không ăn hình như nhiều MC khác. Và cũng vì là một phóng viên chuyên về chính luận, kinh tế, nên sắc mặt của Nguyên khá trầm, nên khi đóng bộ vest vào thì trông rất lạnh lùng. Để có được nụ cười tươi và gần gũi bây giờ, là cả "nỗ lực của đồng nghiệp" khi liên tục nhắc qua tai nghe: "Giãn cái cơ mặt ra", "cười lên nào." Vì có khoảng thời gian dài sống ở Mỹ, nên Nguyên cũng có lượng "fan" khá trung thành tại đây. Họ đều là những người quen, bạn bè của mình, và thường xuyên theo dõi các chương trình Nguyên làm, và các bản tin Nguyên dẫn. Nhờ sự góp ý của họ, những chương trình Nguyên tham gia làm có yếu tố kiều bào, đều đạt được chất lượng tốt hơn, bởi mình hiểu khán giả của mình mong muốn điều gì.
Tọa đàm tạp chí kinh tế Bizline trên VTV4.
Là người hàng ngày tiếp nhận và xử lí cả núi thông tin và chuyển tải tới khán giả cũng đồng nghĩa với vô vàn hỉ-nộ-ái-ố sẽ đến với bạn. Sẽ có những thông tin rất vui hay rất buồn, những thông tin gây sốc... Hoàng Nguyên thường đối diện với chúng ra sao?
Là một phóng viên, những thông tin mình tiếp nhận, chỉ nên dừng ở mức thông tin, và mình phản ánh nó, chứ không thêm quan điểm cá nhân của mình vào các sản phẩm phát sóng. Đó là tính chuyên nghiệp Nguyên được các tiền bối trong nghề chỉ dạy. Tất nhiên, ngay từ đầu, không phải ai cũng rèn cho mình kỹ năng đó được. Khi đọc những tin tức bức xúc trong xã hội, mình phải kiểm soát được cảm xúc của mình, và xử lý những thông tin đó một cách khách quan.
Cảm ơn Hoàng Nguyên!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!