Đại gia Thái Lan mở rộng hệ thống bán lẻ: Hàng Việt Nam gặp nguy cơ

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 19/01/2016 08:41 GMT+7

VTV.vn - Với việc không ngừng mở rộng hệ thống bán lẻ tại Việt Nam của các đại gia Thái Lan, hàng Việt Nam đang đứng trước nguy cơ lép vế ngay trên sân nhà.

Năm 2013, Tập đoàn BJC của Thái Lan đã mua lại chuỗi cửa hàng Family Mart từ Tập đoàn Phú Thái Việt Nam và đổi tên thành B’smart. Tháng 8/2014, Tập đoàn BJC tiếp tục mua lại chuỗi siêu thị Metro Việt Nam với trị giá 876 triệu USD. Tháng 1/2015, Tập đoàn Central Group đã mua 49% cổ phần của chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim với trị giá 200 triệu USD. Tập đoàn này cũng đã mở chuỗi siêu thị Robinson tại Việt Nam với mục tiêu phân phối hàng Thái Lan tại Hà Nội và TP.HCM.

Tiếp đó, vào tháng 1/2016, thông tin Tập đoàn BJC và Central Group đều nhắm đến mua lại hệ thống kinh doanh Big C ở Việt Nam từ tay Tập đoàn Casino của Pháp đã được đưa ra. Và có khả năng, thương vụ này sẽ hoàn thành trong năm nay. Thực tế cho thấy, những thương hiệu mà các đại gia Thái Lan chọn mua đều lớn và được người tiêu dùng Việt ưa chuộng.

Đánh giá về tình hình thu mua mạng lưới phân phối bán lẻ tại Việt Nam của các tập đoàn Thái Lan, bà Đinh Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho biết: “Sự gia nhập thị trường của các doanh nghiệp bán lẻ Thái Lan rất mạnh mẽ nhưng cũng không thể tán thành với nhận định rằng các nhà bán lẻ Thái Lan đang thâu tóm thị trường bán lẻ Việt Nam. Bởi lẽ, muốn nói tới chuyện thâu tóm thì cần phải cân nhắc, đánh giá một cách khách quan, có số liệu cụ thể, không chỉ về định tính mà cần phân tích về mặt định lượng".

"Với sự tham gia vào thị trường bán lẻ Việt Nam, cũng có một quan ngại rằng hàng hóa Việt sẽ khó gia nhập vào hệ thống của các doanh nghiệp bán lẻ Thái Lan. Đây là một điều đáng lo ngại", bà Mỹ Loan nhận định.


Bà Đinh Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam

Bà Đinh Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam

Theo bà Đinh Mỹ Loan, không thể phủ nhận hàng hóa Thái Lan rất được cảm tình của người tiêu dùng Việt Nam. "Hàng Thái Lan có mẫu mã thay đổi nhanh chóng, chất lượng đảm bảo và giá cả phù hợp với đại đa số người tiêu dùng Việt. Đây là những điều mà các nhà sản xuất Việt Nam phải chú ý tới”, bà Mỹ Loan nói thêm.

“Với việc bố trí hàng hóa trên kệ hàng, không thể phủ nhận bất cứ nhà bán lẻ nào cũng đều mong muốn sản phẩm của nước mình được bán nhiều hơn. Tuy nhiên, có một điều còn cao hơn mong muốn đó là đòi hỏi của thị trường và yêu cầu của người tiêu dùng. Nếu thị trường không có yêu cầu và người tiêu dùng không yêu thích thì cũng không thể làm vậy. Câu trả lời cho sự cạnh tranh là phải dùng chất lượng, sự phong phú về thể loại, kể cả dịch vụ của nhà bán lẻ để giữ chân người tiêu dùng”.

“Các tập đoàn bán lẻ lớn của Việt Nam vẫn đang cố gắng để đứng vững cũng như giữ thị trường. Tuy nhiên, trong bối cạnh hiện tại, nếu muốn có những nhà bán lẻ mạnh thì bản thân sự nỗ lực của doanh nghiệp không đủ, cần phải có sự hỗ trợ - những hỗ trợ không vi phạm cam kết hội nhập quốc tế, để tạo dựng được 15 – 20 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu dẫn dắt thị trường ngành dịch vụ bán lẻ" - bà Mỹ Loan cho biết - "Mặc dù đã đưa vào quy hoạch tái cơ cấu của ngành công thương nhưng từ quyết định xây dựng nhà bán lẻ hàng đầu đi tới thực tế hiện vẫn chưa được triển khai ráo riết”.

Ngoài thâm nhập và không ngừng mở rộng hệ thống bán lẻ, các tập đoàn Thái Lan còn có nền móng vững chắc tại Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất như thực phẩm, nông nghiệp, công nghiệp... Điều đó khiến hàng Việt Nam càng đứng trước nguy cơ lép vế ngay trên sân nhà.

Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi video dưới đây:

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước