Chiều 10/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018.
Kết quả giám sát và nhiều đại biểu cho rằng các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét. 25.000 công trình hạ tầng đã được đầu tư, xây dựng trên địa bàn vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Đến nay, cơ bản các xã đã có đường ô tô đến trung tâm, 88% thôn có đường cho xe cơ giới và hầu hết các xã và thôn đều đã có điện. Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm trung bình 3,5% mỗi năm. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, kết quả giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi chưa thực sự bền vững.
Theo một số đại biểu điều quan trọng là thời gian tới phải tích hợp được các chính sách còn chồng chéo, phân tán, thiếu tính hệ thống theo hướng thu gọn đầu mối quản lý, để có sự tập trung nguồn lực hơn cho công tác này.
Cũng tại phiên giám sát, một số đại biểu cũng đề nghị phải khắc phục tình trạng ngân sách không đi kèm chính sách, tình trạng giải ngân chậm trong việc thực hiện các dự án phục vụ công tác giảm nghèo tại các địa phương.
Nhờ các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước những năm gần đây đã giảm 1,55%/năm, vượt mục tiêu đề ra. Riêng số hộ nghèo dân tộc thiểu số đã giảm gần 343.500 hộ, tương đương 3-4% mỗi năm. Tuy vậy, hiện vẫn còn hơn một nửa trong số 1,3 triệu hộ nghèo là dân tộc thiểu số.
Làm thế nào để chính sách đi kèm với ngân sách hiệu quả hơn nữa giúp các hộ này thoát nghèo?
Bà Chu Thị Hạnh – Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là khách mời trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 11/9 sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!