Mỗi khi mưa, Hà Nội lại ngập nước, càng ở những khu vực mới càng bị ngập nặng. Những con đường mới mở, những khu mới quy hoạch lại thành sông, hồ chỉ sau vài cơn mưa. Ngành thoát nước dù đã nỗ lực nhưng tình trạng ngập lụt vẫn diễn ra. Tại sao lại có hiện tượng này?
Chia sẻ về câu hỏi này, ông Lê Vũ Quảng Sương - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thoát nước Hà Nội, cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng ngập úng thường xuyên xảy ra ở Hà Nội, đặc biệt ở khu vực phía Tây thủ đô.
"Trên địa bản thành phố Hà Nội, với hiện trạng hệ thống thoát nước như hiện nay, theo dự báo thời tiết, công ty thoát nước Hà Nội đều có phương án thoát nước mùa mưa, trong kế hoạch này đều có dự báo khu vực chống ngập để báo cáo UBND thành phố, các sở chuyên môn, do vậy, với mỗi lượng mưa cũng có thể dự kiến tình trạng úng ngập", ông Lê Vũ Quảng Sương cho biết.
"Khu vực trung tâm Hà Nội theo Quy hoạch thoát nước tổng thể thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích 220km2, bao gồm lưu vực Tô Lịch, Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ và Long Biên. Về thực hiện, hiện chúng ta mới hoàn thiện dự án thoát nước đầy đủ với lưu vực Tô Lịch còn lại các lưu vực khác vẫn trong quá trình nghiên cứu đầu tư. Nguyên nhân tiếp theo là do tốc độ đô thị hoá còn nhiều bất cập. Đánh giá việc úng ngập ở khu vự phía Tây, chúng tôi khẳng định hệ thống thoát nước là hệ thống đồng bộ và xuyên suốt từ nguồn thu đến điểm xả, do vậy, không phải một chủ đầu tư hay cá nhân có thể có khả năng giải quyết cục bộ ở khu vực của mình. Tuy nhiên, với khu vực Lê Trọng Tấn giao cắt với Đại lộ Thăng Long, ở đây có quy hoạch của khu đô thị, nhưng mức độ úng ngập ở đây hoàn toàn phụ thuộc vào mực nước sông Nhuệ, tiêu tự chảy", ông Lê Vũ Quảng Sương nói tiếp.
Đối với việc ứng trực của cán bộ công ty thoát nước, ông Lê Vũ Quảng Sương cho biết, ngay từ khi có những dự báo của khí tượng thuỷ văn, đơn vị này đã có chỉ đạo từ lãnh đạo thành phố Hà Nội, lực lượng cán bộ luôn được triển khai trên các địa bàn được giao.