Xe công tức là xe biển xanh, được Nhà nước cấp cho các cơ quan để làm việc công vụ. Tuy nhiên, thời gian qua việc lạm dụng, lãng phí trong sử dụng xe công đã gây bức xúc trong dư luận, đòi hỏi phải có biện pháp quản lý chặt chẽ nhằm giảm áp lực về ngân sách.
Là đơn vị quản lý việc sử dụng xe công, từ ngày 1/10, Bộ Tài chính đã bắt đầu áp dụng chủ trương khoán chi phí đưa đón từ nhà đến nơi làm việc đối với các Thứ trưởng và Tổng cục trưởng. Theo đó, 6 Thứ trưởng và 5 Tổng cục trưởng của Bộ Tài chính đã dùng taxi hoặc tự lái xe đến cơ quan, thay vì sử dụng xe ô tô công. Đây là những bước đi đầu tiên trong lộ trình giảm xe công của các Bộ, ngành nhằm tiết kiệm ngân sách Nhà nước.
TS. Nguyễn Minh Phong – một chuyên gia kinh tế đánh giá, đây là động thái tích cực, được kỳ vọng khi áp dụng mở rộng sẽ mang lại hiệu ứng mở rộng, lan tỏa và ngày càng tốt hơn.
"Hình ảnh các cán bộ lãnh đạo sử dụng phương tiện công cộng rất gần gũi với cuộc sống đã tạo ra sự thân thuộc giữa lãnh đạo và người dân, giữa cán bộ và cán bộ, không có những nhìn nhận mang tính chất phân biệt quá mức, thậm chí gây ra sự phản cảm giống khi bước xuống từ một chiếc xe quá sang. Hơn nữa, với người đi xe, đây cũng là cơ hội tốt để họ vi hành, hòa vào cuộc sống. Thậm chí, sau này khi nghỉ hưu, họ cũng sẽ không bị cú sốc giữa chuyển đổi từ việc sử dụng xe này sang xe kia".
"Hiện nay, chúng ta mới áp dụng thí điểm và ở công đoạn dễ tính nhất. Còn với rất nhiều hoạt động khác, chúng ta cần phải nghiên cứu, đánh giá, xây dựng bộ tiêu chí cũng như yêu cầu để tạo ra quy chế đầy đủ và đồng bộ. Nhưng ít nhất, trước mắt chúng ta cũng thấy quản lý ngân sách chi cho xe đã rõ ràng, minh bạch, tiết kiệm hơn".
TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, bên cạnh giải pháp cứng thì cần có thêm những giải pháp mềm trong việc áp dụng chính sách khoán xe công: "Nhóm giải pháp mềm gồm 4 việc. Đầu tiên là định mức khoán sao cho linh hoạt, sát thực tế, với tính chất khuyến khích cán bộ lãnh đạo nhận khoán, cảm thấy nhận khoán có lợi cho mình rồi dần siết lại. Thứ hai là phát triển dịch vụ xe công, tức là những xe còn lại sẽ được biến thành dịch vụ xe taxi công, không mang ra ngoài thuê mà dùng để cung cấp cho những người có nhu cầu với giá rẻ. Thứ ba là phát triển dịch vụ xe công cộng. Cuối cùng là giải pháp về tâm lý xã hội, tăng tuyên truyền để tăng nhận thức xã hội".
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình Vấn đề hôm nay qua video trên đây!