Đã 2 năm kể từ khi Ủy ban châu Âu ra thẻ vàng đối với thủy sản khai thác của Việt Nam. Tình hình xuất khẩu sang thị trường EU của Việt Nam bị tác động rõ rệt. Từ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, sau thẻ vàng, EU đã tụt xuống vị trí thứ 5.
Sản lượng đánh bắt giảm, chi phí chuyến ra khơi tăng cao nên ngư dân không mặn mà với việc gắn thiết bị định vị và nhật ký đánh bắt. Đáng nói hơn, do khó xử phạt ngư dân nên việc ngư dân vi phạm cấm đánh bắt IUU kéo theo hàng hoạt hệ lụy cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến thủy sản Việt Nam đã mất vị trí thứ 2 về xuất khẩu sang EU. Dự kiến từ năm nay, kim ngạch thị trường này chỉ đạt 1,35 tỷ USD, giảm 8%.
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh vận động trực tiếp, cần công bố công khai và cập nhật thường xuyên danh sách các tàu cá vi phạm IUU, kiên quyết từ chối cho bốc dỡ sản phẩm khai thác trái phép, không thu mua nguyên liệu của các tàu vi phạm, đặc biệt là thời điểm Ủy ban châu Âu tiếp tục có đợt đánh giá về thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam vào tháng 11 tới để ngành xuất khẩu thủy sản có cơ hội phát triển bền vững.
Thẻ vàng của châu Âu đối với thủy sản khai thác của Việt Nam về khía cạnh tích cực là một cú hích cần thiết để chúng ta chuyển đổi quyết liệt nghề cá nhằm phát triển bền vững và có trách nhiệm. Vấn đề lúc này là cần sự chia sẻ khó khăn với ngư dân và những chính sách hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân chuyển đổi vượt qua những thay đổi để sau thẻ vàng, đội tàu chúng ta không yếu đi mà ngược lại sẽ là những ngư dân chuyên nghiệp tiếp tục vươn khơi mạnh mẽ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!