Năm 2010, hơn 900 căn hộ tại 2 tòa nhà Keangnam Hà Nội đã được bán hết. Theo luật định, chủ đầu tư phải trích lập 2% tổng trị giá các căn hộ tại đây để sử dụng làm phí bảo trì tòa nhà. Khoản tiền này phải được cất giữ trong tài khoản ngân hàng đồng sở hữu giữa chủ đầu tư và ban quản trị tòa nhà. Tuy nhiên, 5 năm qua, các hộ dân ở đây không biết chính xác khoản tiền này là bao nhiêu, ai nắm giữ.
Điều đáng nói là sự mập mờ của chủ đầu tư về khoản tiền này. Mỗi lần, chủ đầu tư lại công bố một con số khác nhau. Phải đến tháng 3 vừa qua, chủ đầu tư mới công nhận bằng văn bản là đang sở hữu số tiền trên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc lập tài khoản đồng sở hữu và chuyển giao số tiền trên vẫn chưa được thực hiện.
Người dân ở đây mong muốn, trong trường hợp Tập đoàn Keangnam bị phá sản, phải bán tòa nhà 72 tầng, họ rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát hoạt động chuyển nhượng tài sản để bảo đảm thu hồi được khoản phí này.
Sau 8 văn bản liên quan đến quỹ bảo trì gửi tới chủ đầu tư, 2 công văn đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bí thư Thành ủy Hà Nội để yêu cầu chính quyền vào cuộc giúp cư dân, Ban quản trị tòa nhà vừa thay mặt các hộ dân sinh sống tại Keangnam gửi văn bản "cầu cứu" Thủ tướng Chính phủ. Kịch bản sẽ là như thế nào nếu Keangnam tuyên bố phá sản? Trong chương trình Vấn đề hôm nay, phóng viên VTV có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Hà, Trưởng Văn phòng luật sư Hà Lan và cộng sự, Đoàn Luật sư TP Hà Nội xung quanh vấn đề này.
Trong phần quốc tế, chương trình Vấn đề hôm nay đề cập đến chuyến thăm Nga của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Tại chuyến công du lần này, Thủ tướng Đức đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Putin. Đây là cuộc đối thoại song phương đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga, Đức kể từ khi bùng nổ cuộc khủng hoảng Ukraine.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.