Thực tế hiện nay, các địa phương đang có cách giải quyết không giống nhau về việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. Có nơi thực hiện nghiêm nhưng có nơi không nghiêm. Vậy phí này nên thu hay dừng thu?
Bên lề phiên thảo luận về Dự án luật phí, lệ phí tháng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nêu quan điểm: Địa phương có quyền quyết định về việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy. Mới đây, Đà Nẵng và Khánh Hòa đã quyết định dừng thu đối với loại phí này.
Ngay tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 14, ngày 7/7, các đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng bỏ phiếu thông qua quyết định tạm dừng thu phí, sau đó sẽ báo cáo chờ ý kiến Chính phủ. Ngày 8/7, tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã ra Nghị quyết tạm dừng việc thực hiện nghị quyết ra cách đây hơn 2 năm về mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn. Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày thông qua.
Trong chương trình Vấn đề hôm nay, trao đổi với phóng viên VTV, ông Phạm Sanh, một chuyên gia giao thông sống tại TP.HCM cho rằng: “Quyết định dừng thu phí đường bộ đối với xe máy tại các địa phương thời gian qua theo tôi là đúng. Trong 2 năm thực hiện thu phí xe máy có rất nhiều bất cập. Đó là tiền thu được giảm đi rất nhiều, khoảng 10%. Trong quá trình thu còn lộ ra sự bất công do người dân sử dụng xe máy có hoàn cảnh khác nhau và chưa có chế tài đối với những người không nộp. Nhiều địa phương thu không đủ chi. Rõ ràng, công tác thu phí xe máy lộ ra nhiều bất cập, lãng phí, không hiệu quả”.
Cả nước hiện có khoảng 43 triệu mô tô, xe gắn máy, nếu mỗi xe chỉ thu 50.000 đồng thì phí bảo trì đường bộ thu được là một con số rất lớn. Nhưng đó chỉ là con số dự tính. Sau 3 năm thu phí bảo trì đường bộ, tổng thu sụt giảm theo từng năm.
Theo kết quả thanh tra mới đây của Bộ Tài chính, năm 2014, phí sử dụng đường bộ thu từ ô tô để đưa vào quỹ bảo trì đường bộ Trung ương đạt gần 5.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tại 8 quỹ địa phương Bộ Tài chính thực hiện thanh tra, tổng số phí sử dụng đường bộ thu từ xe máy mới chỉ được gần 100 tỷ đồng, đạt 22,2% so với kế hoạch.
Điều này cho thấy, dù đã tính đến quyền lợi cho các tổ chức thu như Ủy ban nhân dân cấp phường được trích lại 10% và cấp xã được 20% tổng mức thu nhưng số tiền thu được cũng không lớn. Như vậy, với quy định nguồn thu này sẽ để lại cho địa phương sử dụng nhưng chắc chắn cũng không đủ để thực hiện duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường bộ trên địa bàn.
“Phí bảo trì chỉ dựa vào phương tiện xe máy thì không thể đảm bảo được. Hiện nay, tác hại lên đường chính là ô tô. Một xe tải nặng gấp triệu lần xe gắn máy. Như vậy, hư đường, bảo trì đường chủ yếu tập trung vào xe tải, xe ô tô. Nếu trường hợp chúng ta chỉ tập trung vào xe hai bánh để thu trên đầu phương tiện thì rất bức xúc vì số lượng phương tiện chiếm trên 90% và ảnh hưởng đến 70% sinh kế của từng hộ gia đình. Con số thu nhỏ nhưng vấn đề tác động đến hiệu quả xã hội rất lớn. Trong khi đó, chúng ta còn có nhiều cách làm khác để tạo ra quỹ bảo trì đường bộ đó là thu qua xăng dầu, phí kiểm định, thậm chí thu qua việc xử phạt hay xe quá tải, quá khổ...” - ông Phạm Sanh cho biết thêm.
Việc không thu phí bảo trì đường bộ không ảnh hưởng đến quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, thế nhưng có thể gây thất thu cho các địa phương vốn có ngân sách eo hẹp. Các địa phương này vẫn cần nguồn kinh phí để sửa chữa đường giao thông nông thôn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, phải có tổng kết để xem việc thu phí được bao nhiêu, hiệu quả như thế nào? Nếu tiếp tục thu phải có giải trình để nhân dân thấy thuyết phục và đảm bảo sự đồng lòng trong xã hội.
Trong phần tin quốc tế, Chương trình Vấn đề hôm nay ngày 9/7 đã có những nhìn nhận về cuộc họp giữa hai chủ tịch Ủy ban liên hợp Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam và Campuchia, nhằm ổn định tình hình biên giới, tiến tới sớm hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc trong năm 2015.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.