Xâm nhập mặn nghiêm trọng, nông dân không nên chỉ trồng lúa

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 26/02/2016 06:49 GMT+7

VTV.vn - Đó là giải pháp tạm thời khi xảy ra xâm nhập mặn mà ông Nguyễn Hồng Khanh đến từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đưa ra trong chương trình Vấn đề hôm nay.

Lịch sử 100 năm qua chưa có năm nào tình trạng xâm nhập mặn lại ảnh hưởng nặng nề đến vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long như bây giờ. Nguyên nhân của hiện tượng này có cả chủ quan lẫn khách quan. Về khách quan, có thể thấy hiện tượng thời tiết thay đổi do ảnh hưởng của El Nino khiến vùng đất ngày bị khô hạn. Lũ không về nhiều khiến cho nước biển tràn ngược lại vào diện tích đất trồng trọt.

Về nguyên nhân chủ quan, hệ thống thủy lợi ở vùng này không còn phù hợp với tình hình diễn biến của thời tiết. Điều quan trọng tình trạng xâm nhập mặn ảnh hưởng đến nhiều bà con nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất lúa gạo và kéo theo đó vấn đề an ninh lương thực cũng như xuất khẩu gạo. Với điều kiện thời tiết như này thì tình trạng xâm nhập mặn sẽ ngày càng lan rộng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.


Một cánh đồng nứt toác đất mặt ruộng ở huyện Long Phú, Sóc Trăng (Ảnh: Zing.vn)

Một cánh đồng nứt toác đất mặt ruộng ở huyện Long Phú, Sóc Trăng (Ảnh: Zing.vn)

Tham gia trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 25/2, ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý công trình thủy lợi và an toàn đập, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã nêu ra giải pháp xử lý thực trạng nói trên: “Bộ đã chỉ đạo các địa phương, các cơ quan khoa học vào cuộc, hỗ trợ bà con nông dân để khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn. Bộ cũng đã chỉ đạo công tác dự báo nguồn nước, tình trạng xâm nhập mặn để các tổ chức quản lý, khai thác thủy lợi cũng như người dân chủ động lấy nước, trữ nước phục vụ nông nghiệp và dân sinh.

Biện pháp thứ 2 là khuyến cáo các địa phương thực hiện đắp đập trữ nước, hệ thống kênh mương để phục vụ sản xuất. Thứ 3 là chuẩn bị sẵn nguyên vật tư, vật liệu, máy bơm dự phòng. Bên cạnh đó là các giải pháp liên quan tới cơ cấu cây trồng, chuyển dịch mùa vụ cũng đã được triển khai thực hiện. Vụ Đông Xuân vừa qua đã được chuyển dịch sớm hơn 20-30 ngày, do vậy cũng giảm bớt phần nào thiệt hại cho người dân. Trong trường hợp chưa có nước, chúng ta phải xử lý tình trạng mặn và hạn lâu dài, xây dựng các công trình thủy lợi như quy hoạch”.

Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, trong điều kiện hiện nay, người nông dân có thể trồng cây phù hợp với nguồn nước mặn, nước lợ và không nên chuyên canh trồng lúa. Đối với vụ Xuân Hè, bà con không nên xuống giống mà lùi hẳn xuống vụ Hè Thu do đây là thời điểm không bị ảnh hưởng nhiều bởi tình trạng xâm nhập mặn.

Nói tới vấn đề ngăn mặn, ông Nguyễn Hồng Khanh cho biết: “Đây là bài toán tốn khá nhiều kinh phí. Chúng ta cần hoàn thiện các hệ thống cống ngăn mặn ở cửa sông và các hệ thống ở Bến Tre và Kiên Giang có thể kiểm soát được nhập mặn. Theo kế hoạch, đến năm 2020, các công trình lớn này sẽ được đưa vào hoạt động”.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước