Cách dễ dàng là cắt dán, "xào nấu"
Mỗi bản nhạc cho một tiết mục múa dân tộc thường chỉ kéo dài 5-6 phút nhưng lại góp phần tích cực vào việc hình thành một tác phẩm thành công, thể hiện bản sắc riêng biệt của từng dân tộc.
Thế nhưng, trong thực tế, việc đầu tư viết nhạc cho một tác phẩm múa hầu như không được các biên đạo quan tâm vì không có kinh phí. Chính vì thế, cách dễ dàng nhất để có được bản nhạc múa dân tộc trong thời gian ngắn, chỉ 3 đến 4 ngày là cắt dán, "xào nấu" các bản nhạc cũ rồi cấu trúc phân đoạn, dùng kỹ thuật vi tính biến hóa thành những bản nhạc mới.
Cách làm này thường được các vũ đoàn, các đoàn nghệ thuật trên toàn quốc sử dụng cho các loại hình múa tình tiết, dân gian dân tộc và cả hiện đại. Đặc biệt, ngay với các cuộc thi chuyên nghiệp, tác phẩm âm nhạc cho dành cho múa dân gian cũng nhạt nhòa, không rõ chất nếu không muốn nói là biến chất.
Và tất nhiên, với các tác phẩm âm nhạc chắp ghép, không có mạch đi cụ thể, khán giả sẽ có cảm nhận vụn vặt chứ chưa nói tới chuyện thưởng thức cái hay, cái đẹp của tiết mục múa đấy.
Thậm chí, việc dùng lực độ của âm nhạc điện tử mà không phải sắc thái biểu cảm như việc lạm dụng trống, bộ gõ còn gây nên sự phản cảm. Với thứ âm nhạc ầm ĩ, có cường độ âm thanh lớn, các diễn viên múa trên sân khấu sẽ gặp khó khăn để bắt nhịp và múa cho trọn vẹn theo tiết tấu.
Dù biết rất rõ những hạn chế khi sử dụng âm nhạc chắp ghép cho múa dân gian, tính dân tộc nhạt nhòa, sắc thái tính chất điệu múa chung chung… nhưng hơn 10 năm qua, "căn bệnh" trầm kha của ngành múa không hề có chiều hướng suy giảm, mà trái lại diễn ra tràn lan tại nhiều địa phương, nhiều đoàn nghệ thuật.
Đội ngũ sáng tác âm nhạc cho các tác phẩm múa, đặc biệt là múa dân tộc ngày càng ít
Cần nghiêm túc trong lao động nghệ thuật
Nguyên nhân của thực trạng này là do đội ngũ sáng tác âm nhạc cho các tác phẩm múa, đặc biệt là múa dân tộc ngày càng ít. Bởi để có chất liệu sáng tác cần phải dày công thâm nhập thực tế để hiểu về phong tục tập quán, tinh thần và tín ngưỡng của dân tộc đó.
Trong khi ấy, với công nghệ hiện đại, chỉ cần một click vào mạng Internet, nhạc sỹ đã có trong tay vài chục cho tới hàng trăm bản nhạc dân tộc khác nhau và chỉ cần gia công, chắp vá các đoạn nhạc với nhau, tác giả đã có tiền thù lao.
Ngay tại cuộc thi múa chuyên nghiệp các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2016, không ít bản nhạc được vang lên trong khán phòng rạp Âu Cơ, Hà Nội đã bị các nhà nghiên cứu chê ngay lập tức vì sự non nớt trong hiểu biết của người soạn nhạc.
Theo NSƯT Nguyễn Vũ Lân (Đăk Lăk): "Sự thiếu hiểu biết về tộc người trong tác phẩm múa của nhà soạn nhạc là đáng lo ngại. Văn học nghệ thuật có tính lan truyền và quảng bá. Ngay từ người sáng tác đã sai thì tới người xem, mức độ sai lệch còn tăng lên gấp bội".
Để giải quyết tình trạng này, Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam nên kết hợp cùng Hội Nhạc sỹ Việt Nam, tổ chức các khóa sáng tác âm nhạc dành cho múa dân tộc. Việc kết nối các khâu sáng tác trong tác phẩm múa như biên đạo, âm nhạc sẽ tạo nên các tác phẩm có giá trị nghệ thuật, giàu cảm xúc.
Còn nhà nghiên cứu Trần Tấn Thông cho rằng: "Các biên đạo múa cần nghiêm túc hơn trong lao động sáng tạo nghệ thuật và làm việc với nhạc sỹ để giúp nhà soạn nhạc nắm bắt được ngôn ngữ âm nhạc của từng vùng miền hay các cộng đồng dân tộc Việt Nam".
Quý vị độc giả có thể xem thêm các thông tin và tương tác với các chương trình giải trí của VTV qua Fanpage VTV Giải trí của Đài Truyền hình Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!